Từ Vietjet Air, mô hình “sale and leasback” được hé lộ

(NTD) - Mô hình sale and leaseback có nghĩa là bán và thuê lại, là một hình thức hết sức phổ biến trong ngành hàng không. CTCP Hàng không Vietjet (VietJet Air) đang là bậc thầy của mô hành này.

Và đối với các nhà phân tích tài chính, việc ghi nhận doanh thu từ giao dịch bán tái thuê là một hành động được gọi tên là “ghi nhận trước lợi nhuận tương lai”, có nghĩa là lấy lợi nhuận có thể đạt được trong tương lai để ghi vào báo cáo tài chính hiện tại.

Thời gian vừa qua, thị trường tài chính khá quan tâm đến thông tin Vietjet Air lên sàn, đặc biệt thông tin báo cáo tài chính liên quan đến mô hình sale and leaseback được doanh nghiệp này nhắc đến trong báo cáo.

Cụ thể, doanh thu hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2014-2016 của Vietjet Air đến từ việc buôn máy bay khá lớn thông qua hình thức sale and leaseback. Tính riêng trong năm 2014, doanh thu từ nghiệp vụ chuyển giao sở hữu và thuê lại máy bay là 1.759 tỷ đồng nhưng đến năm 2016, doanh thu từ mảng này đã đạt đến 11.709 tỷ đồng.

Với đóng góp đáng kể từ hoạt động sale and leaseback đã giúp Vietjet Air và nhà tư vấn định giá tham chiếu cho cổ phiếu VJC ở mức 90.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh: Ánh Hoa

Với đóng góp đáng kể của hoạt động này đã giúp Vietjet Air và nhà tư vấn có thể định giá tham chiếu cho cổ phiếu VJC ở mức 90.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, đây cũng là nguồn lực quan trọng để hãng hàng không này tăng vốn từ mức 600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng như hiện nay.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt, sale and leaseback giúp các hãng hàng không phát triển đội bay mà không cần nhiều vốn. Cụ thể, nếu hãng hàng không đặt mua máy bay từ nhà sản xuất với số lượng lớn sẽ được hưởng chiết khấu có thể lên đến 40-50%. Nhờ đó, họ thường sẽ có một khoản lợi nhuận từ việc bán lại cho các công ty cho thuê. Như vậy, hãng hàng không vừa có thể phát triển đội bay, vừa có dòng tiền để tài trợ cho các hoạt động khác, thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để mua máy bay theo cách thông thường.

Tuy nhiên, có những bất lợi nhất định như việc tài trợ đội bay bằng hình thức sale and leaseback thường sẽ dẫn đến chi phí thuê cao hơn so với các hình thức khác. Do khoản phí này là cố định, nếu tỷ giá biến động bất lợi thì chi phí còn lớn hơn nữa. Và là đi thuê nên máy bay sẽ phải chịu những giới hạn về mặt hoạt động, chẳng hạn như chỉ được bay và đậu tại những địa điểm nhất định.

Được biết, sale and leaseback là giao dịch tài trợ rất phổ biến trong ngành hàng không. Ngoài Vietjet Air, các hãng hàng không tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay của mình bằng nghiệp vụ bán tái thuê cho các hãng dịch vụ tài chính hàng không khổng lồ trên thế giới như AerCap hay GECAS (GE Capital Aviation Services). Trong những năm gần đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng sử dụng nghiệp vụ bán tái thuê để tài trợ cho các khoản đầu tư máy bay mới.

Ánh Hoa

 

Nên đọc