Ngày 19/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký văn bản khẩn gửi thủ trưởng các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức cùng các quận, huyện về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm tiếng ồn trên địa bàn. UBND TP.HCM sẽ chia thành hai giai đoạn để thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm tiếng ồn.
Giai đoạn 1 (từ 25/3 - 30/6), toàn TP.HCM tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và người dân đăng ký cam kết thực hiện nghiêm quy định pháp luật về tiếng ồn.
Giai đoạn 2, TP.HCM tiếp tục thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về tiếng ồn bắt đầu từ ngày 30/6.
Trong đợt cao điểm xử lý vi phạm tiếng ồn, chính quyền các cấp cùng sở, ngành liên quan sẽ thành lập các tổ công tác liên ngành nhằm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất theo lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, lãnh đạo mỗi địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tái diễn vi phạm tại các địa điểm đã kiểm tra, xử lý.
Trong đợt cao điểm cuối tháng 6, Công an TP.HCM sẽ chỉ đạo Công an địa bàn phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về tiếng ồn. Ngành công an cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện cần thiết phục vụ xử lý vi phạm.
UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tổng hợp những khó khăn trong quá trình triển khai và đề xuất giải pháp cho UBND TP.HCM.
Sở Giao thông vận tải kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm hành chính về an toàn giao thông thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP; Chỉ thị số 11-CT/TU về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị và Chỉ thị số 22/CT-UBND về thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì xây dựng, triển khai kế hoạch tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở văn hóa, kinh doanh, dịch vụ văn hóa, thể thao về vấn đề vi phạm quy định tiếng ồn.
Hát karaoke là loại hình văn hóa, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ một hoạt động giải trí hiện đại, lành mạnh, bổ ích sau một ngày lao động mệt nhọc. Tuy nhiên, những loa kẹo kéo hoạt động trên đường phố, những loa kẹo kéo hát tại gia đình không có hệ thống cách âm đã gây ra không ít phiền hà cho người dân địa phương, đặc biệt là người già và trẻ em. Vì vậy, cần phải có những quy định của pháp luật phân định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền địa phương, cũng như của những người có trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý tiếng ồn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức người dân đối với loại hình văn hóa này nhằm bảo vệ môi trường sống an lành cho cộng đồng.