Từ năm 2022, TP.HCM bắt đầu thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải

(CL&CS) - Đến năm 2025, một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ phải đóng thêm khoảng 400.000 tiền thuế phí, bao gồm 30% giá thoát nước và 10% thuế VAT.

Ngày 7/6, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Ủy ban vừa ban hành quyết định giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022-2025, theo đó, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (như sông suối, kênh rạch, ao hồ, đầm phá, các tầng chứa nước dưới đất) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan là đối tượng phải nộp tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Các hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt. Lộ trình thu phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tính trên giá cấp nước từ năm 2022 tăng 15%, mỗi năm tăng 5% và cho đến năm 2025 là 30% giá nước sạch. Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2022.

Hiện người dân sử dụng nước sinh hoạt đã phải đóng 10% phí môi trường cho mỗi mét khối nước.

Đến năm 2025, một hộ gia đình mỗi tháng sử dụng hết 1 triệu đồng tiền nước sẽ phải đóng thêm khoảng 400.000 tiền thuế phí, bao gồm 30% giá thoát nước và 10% thuế VAT.

Đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch sẽ căn cứ vào khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng, mức giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải để tính toán. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV tổ chức thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thông qua hóa đơn tiền nước.

Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải. Giá thu không được thấp hơn mức thu của các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung.

Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% dành để chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần công khai, minh bạch trong các khoản thu chi để người dân hiểu rõ họ đang đóng tiền cho việc gì. Chẳng hạn, công khai chi phí xử lý thoát nước là bao nhiêu, ngân sách thành phố hiện có chừng nào, tương lai cần bao nhiêu tiền để làm những công việc gì, vì sao xây dựng mức tăng 5%/năm... Tất cả phải được công bố rõ ràng cho người dân giám sát.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc huy động nguồn kinh phí từ trong dân để bù đắp thiếu hụt ngân sách cho các dự án công là đúng, tuy nhiên, phải cân nhắc tổng quan dựa trên sự hợp lý và vấn đề thu nhập của người dân.

Theo ông Sơn, hiện tất cả người dân sử dụng nước sinh hoạt đã phải đóng 10% phí môi trường cho mỗi mét khối nước, nay thêm giá thoát nước, yêu cầu người dân có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường thì chẳng khác nào giá chồng phí. Người dân đã hoàn thành trách nhiệm của mình là đóng tiền xử lý nước rồi, việc nhà nước cân đối sử dụng số tiền này như thế nào thì nhà nước phải có trách nhiệm. Không thể thấy thiếu, cần thêm thì lại “đẻ” ra thêm loại phí, giá mới bắt người dân đóng.

Cũng theo ông Nam Sơn, không nên thu thêm giá thoát nước, thay vào đó, nên phân loại đối tượng sử dụng nước sinh hoạt để điều chỉnh tỷ lệ phí môi trường cho phù hợp. Đơn cử, những hộ kinh doanh nhà hàng, khách sạn, gara ô tô… yêu cầu xử lý nước thải nhiều hơn thì phải đóng phí cao hơn các hộ dân bình thường. Số tiền chênh lệch từ khoản thu này cũng có thể bù đắp phần nào ngân sách thành phố, đồng thời tạo công bằng trong vấn đề sử dụng nước gây ô nhiễm môi trường, đúng nghĩa ai gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả tiền nhiều hơn.

TIN LIÊN QUAN