Truy quét hàng giả cuối năm

(CL&CS) - Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại "nóng" hơn bao giờ hết...

Lực lượng QLTT và Công an Hà Nội phối hợp kiểm tra cơ sở kinh doanh ngày 18-19/12/2023.

“Sờ gáy” nhiều cơ sở kinh doanh hàng giả

Để ngăn chặn hàng giả dịp cuối năm, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã triển khai Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị nghiệp vụ trực thuộc chủ động nắm chắc địa bàn và tình hình diễn biến thị trường; kịp thời nhận diện các vấn đề mới nổi cộm, phức tạp để tham mưu, chỉ đạo kiểm tra, xử lý, nhất là các đối tượng, vụ việc vi phạm liên tỉnh, quy mô lớn.

Tại các tỉnh biên giới, lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng... tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu vận chuyển trái phép từ biên giới vào thị trường nội địa tiêu thụ, đặc biệt là rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.

Qua theo dõi của phóng viên, thời gian gần đây, triển khai đợt cao điểm cuối năm, kể từ đầu tháng 11 trở lại đây, tại nhiều địa phương, lực lượng chức năng đã phối hợp ra quân “sờ gáy” hàng chục cơ sở sản xuất, kho chứa trữ hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, giả mạo thương hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Điều đáng nói, các kho chứa hàng thường được các đối tượng bố trí ở các vị trí xa khu vực dân cư, nằm khuất sâu trong ngõ… hòng trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Mới đây nhất, qua công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, lực lượng QLTT Hà Nội đã đưa vào tầm ngắm một kho hàng chứa trữ lượng lớn tai nghe không dây và loa bluetooth, đồng hồ thông minh, robot hút bụi nằm khuất sâu trong ngõ nhỏ trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Phần lớn số hàng hóa này được bán trên các nền tảng thương mại điện tử và gửi tới người tiêu dùng thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh.

Sau một thời gian theo dõi, xác minh, ngày 18 và 19/12/2023, tại địa chỉ trên, Đội QLTT số 9, Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Công an phường Bưởi và Đội Cảnh sát Kinh tế - Môi trường, Công an quận Tây Hồ ập vào kiểm tra kho hàng do bà Nguyễn Thuỳ Linh, sinh năm 1997, trú tại tỉnh Hà Nam và đang tạm trú tại phố Trần Quốc Vượng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm chủ.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện bên trong kho có nhiều thùng carton và bao tải cỡ lớn chứa trữ hàng hóa gồm tai nghe không dây và loa bluetooth của thương hiệu nổi tiếng Marshall, cùng thẻ bảo hành chính hãng Marshall. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn ghi nhận trong kho còn có các mặt hàng khác như loa bluetooth Willen, loa bluetooth Emberton, đồng hồ thông minh Smartwatch Series 8, đồng hồ thông minh Hiwatch 8 Big 1.92, robot hút bụi Hitachi cùng lượng lớn tem, nhãn mác, vỏ hộp chứa đựng sản phẩm và thẻ bảo hành của các hãng khác nhau. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, trị giá gần 4,4 tỷ đồng.

Cũng trên địa bàn TP Hà Nội, Đội QLTT số 25, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Chương Mỹ đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh nằm trên địa bàn thôn Phượng Nghĩa, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy, địa điểm trên là trang trại chăn nuôi có diện tích 1.400 m được sử dụng làm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng được gắn mác sản xuất tại Australia, Canada, Korea… Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 50 tấn nguyên liệu, cùng nhiều máy móc, bao bì dùng để mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2023, tại Lạng Sơn, Cục QLTT Lạng Sơn đã trực tiếp chỉ đạo các Đội QLTT số 1, 2, 3, 7 kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các địa bàn TP Lạng Sơn, huyện Lộc Bình, huyện Cao Lộc, huyện Văn Lãng. Qua kiểm tra, 81 cơ sở kinh doanh, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử 62 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 360 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 330 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu.

Không có “vùng cấm” trong kinh doanh hàng giả

Với mục tiêu không có “vùng cấm” trong kinh doanh hàng giả, cuối tháng 3/2021, Tổng cục QLTT đã ban hành Kế hoạch số 888 về đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 trên cả 63 tỉnh, thành phố. Sau gần 3 năm triển khai, Kế hoạch 888 đã đóng góp lớn vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Qua thống kê từ Tổng cục QLTT, đến cuối tháng 10/2023, triển khai Kế hoạch 888, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 8.549 vụ việc, trong đó xử lý 8.224 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 83,5 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 110 tỷ đồng.

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) Nguyễn Đức Lê cho rằng, trong quá trình đôn đốc, giám sát các tỉnh, thành phố triển khai Kế hoạch 888 nhận thấy thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Chính vì vậy, kết quả triển khai Kế hoạch 888 sẽ góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa được Nhà nước bảo hộ và tránh vi phạm các quy tắc, các quy ước về công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

“Cục Nghiệp vụ QLTT tiếp tục phối hợp với lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trọng điểm, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, lực lượng QLTT sẽ đẩy mạnh hoạt động xử phạt vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử trong năm 2024”, ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ.

Năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022).

Trong đó, kiểm tra đột xuất 43.838 vụ; kiểm tra định kỳ 22.094 vụ; thanh tra chuyên ngành 204 vụ, ban hành kết luận 118 vụ; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu gần 204 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022).

TIN LIÊN QUAN