Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt gần 7,5 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản cả nước. Đây là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Với chính sách tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các kênh nhập khẩu hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hơn 1,4 tỷ dân, đây vẫn là thị trường nhập khẩu còn rất rộng lớn đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Tọa đàm thông tin tổng quan về chính sách, một số quy định mới của Trung Quốc về nhập khẩu nông, thủy sản. Trong đó nhấn mạnh những thay đổi của Lệnh 248, 249 của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, thời gian tới Trung Quốc sẽ khắt khe hơn trong các khâu đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu, tăng cường giám sát, kiểm định hàng hóa nhập khẩu theo tiêu chuẩn riêng, đăc biệt chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, bao bì đóng gói, đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai chia sẻ, dự báo từ chính phủ Trung Quốc trong 10-15 năm tới sẽ tiếp tục mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản mà Trung Quốc thiếu hụt. Đặc biệt sẽ ưu tiên nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng nếu đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà nước này đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam là nông dân còn tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ, mọi thứ đều ngắn hạn. Vì vậy, cần có sự hiểu biết tổng quan hơn, dài hơi hơn, không chỉ về nhu cầu mới của thị trường Trung Quốc mà phải hiểu cả về thị trường, thế mạnh của những nước láng giềng đang xuất khẩu vào Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia…
Trên cơ sở đó, để sớm thích ứng và tận dụng lợi thế, cần sớm chuyển đổi từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp tại các cửa khẩu, nhất là xây các kho lạnh để bảo quản nông, thủy sản khi chưa được thông quan. Đồng thời đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin thị trường sở tại nhằm nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của người dùng Trung Quốc để tạo ra sản phẩm có giá trị phù hợp, cũng như quy hoạch lại nguồn nguyên liệu trong nước, cân bằng cung cầu.