Hiện có 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với các quy mô cam kết khác nhau.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, chiều ngày 06/5, trả lời câu hỏi của báo chí về việc xây dựng gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, đây là thông điệp và chỉ đạo rất cụ thể, quyết liệt của Chính phủ, thể hiện định hướng đúng đắn trong việc tập trung nguồn lực vào hai lĩnh vực được xem là chủ chốt, là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số, hai lĩnh vực này cần được ưu tiên đầu tư sớm và thỏa đáng, tạo nền tảng cho sự phát triển của các ngành khác.
“Nhận thức được điều này và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã triển khai ngay trong tháng 4 và đã làm việc với các ngân hàng. Hiện có 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia, tổng đăng ký đạt 500.000 tỷ đồng, với các quy mô cam kết khác nhau”, Phó Thống đốc thông tin.
Lãnh đạo NHNN cho biết: Ngay trong tháng 4, NHNN đã làm việc trực tiếp với 21 ngân hàng thương mại (NHTM) để bàn phương án triển khai gói tín dụng này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn (Big4) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được xác định là lực lượng chủ lực, mỗi ngân hàng đăng ký tham gia với mức 60 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20 nghìn tỷ đồng/ngân hàng và 5 NHTM quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng.
Gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng sẽ tập trung ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào hai mũi nhọn: hạ tầng và công nghệ. Đặc biệt, các dự án trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh… sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại. Đồng thời, thời gian ưu đãi lãi suất được kéo dài tối thiểu 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả.
Gói tín dụng này dùng hoàn toàn từ nguồn lực của các ngân hàng thương mại – không phải từ ngân sách Nhà nước hay từ nước ngoài. Các ngân hàng sẽ nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất, kéo dài thời gian cho vay, đặc biệt là cơ cấu nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh đó, do các dự án hạ tầng có quy mô lớn, cần nguồn vốn lớn, nên các ngân hàng thương mại sẽ phải đồng tài trợ, vì một ngân hàng không thể đơn lẻ đảm đương được. Hiện nay có rất nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn quốc gia và nhiều dự án khác cũng đang cần nguồn lực đầu tư.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng thẳng thắn chỉ ra: Có hai vấn đề trọng tâm cần làm rõ trước khi giải ngân gói tín dụng 500.000 tỷ đồng một cách rộng rãi.
Thứ nhất, đã là cho vay ưu đãi thì cần xác định rõ đối tượng hưởng ưu đãi. Trong lĩnh vực hạ tầng, có hàng trăm, hàng nghìn dự án, nên cần chỉ rõ lĩnh vực, dự án nào cần ưu tiên thì để có sự phối hợp và tập trung nguồn lực hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghệ cũng vậy, cần xác định rõ hơn thành phần, đối tượng được hưởng ưu đãi.
Thứ hai, cho vay đầu tư hạ tầng thường có thời hạn rất dài – ít nhất là 5 đến 10 năm – trong khi các ngân hàng thương mại hiện nay chủ yếu huy động vốn ngắn hạn. Do đó, cần cơ cấu, tính toán để đảm bảo kế hoạch cung ứng nguồn vốn và sử dụng vốn hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Chính vì vậy, hai vấn đề này cần có sự phối hợp của các bộ, ngành chức năng trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học Công nghệ để xác định rõ các lĩnh vực, đối tượng, dự án, doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của gói này. NHNN đã làm việc trực tiếp với các bộ liên quan và có văn bản gửi các bộ đề nghị xác định rõ hơn để các ngân hàng thương mại cũng cân đối nguồn vốn (huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn), đồng thời đảm bảo đúng đối tượng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, thì hệ quả là cả hệ thống ngân hàng bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng phát huy hiệu quả thực chất.