Ngày 14/5, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký quyết định công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian đối với "Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh" của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Cộng đồng cư dân ở Nam Trà My đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hình thành nên hệ thống tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh. Ảnh: TT
Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là kho tàng kiến thức quý báu được đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là người Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My tích lũy và truyền lại qua nhiều thế hệ.
Tri thức dân gian này bao gồm các kỹ thuật và kinh nghiệm trong việc khai thác, trồng, chăm sóc và chế biến sâm Ngọc Linh. Người dân đã chuyển từ việc khai thác tự nhiên sang trồng trọt có kế hoạch, đầu tư thâm canh chuyên sâu, giúp nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống.
Chủ thể của di sản là cộng đồng cư dân thuộc các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng, Trà Don và Trà Mai trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Trước đó, hồi tháng 5/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi văn bản đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My”.
Theo hồ sơ của tỉnh Quảng Nam, hiện nay, sâm Ngọc Linh được trồng tại 7 xã của huyện Nam Trà My, với tổng diện tích khoảng 1.650ha, thu hút sự tham gia của hơn 1.500 hộ dân và 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng.
Sâm Ngọc Linh, còn được gọi là "thuốc giấu", được biết đến như một loại dược liệu quý hiếm, có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe rất tốt.
Việc công nhận tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng cao Quảng Nam.
Đây cũng là bước quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh trên thị trường trong nước và quốc tế.