TP.HCM: Tỷ trọng ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng trưởng 18,5%

(NTD) - Đây là con số thống kê theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019 của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA) vào ngày 20/12.

Ngành lương thực thực phẩm TP.HCM tăng trưởng ổn định

Theo FFA, chỉ số phát triển công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm (LTTP) của TP.HCM 11 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng nhẹ 1,25% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, phân ngành sản xuất đồ uống tăng 7,38%. Riêng phân ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 2,28% so với 2018. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm chế biến sữa và các sản phẩm sữa giảm 14% (do 2 nhà máy sữa Thống nhất và Trường thọ thuộc Cty CP Sữa Việt Nam chuyển một phần sản lượng sữa cho các nhà máy ở các tỉnh khác sản xuất).

Tuy nhiên, tỷ trọng sản xuất công nghiệp ngành chế biến LTTP trong toàn ngành công nghiệp vẫn luôn giữ mức tăng trưởng 18,5%. Với tốc độ tăng trưởng ổn định, ngành chế biến LTTP có đóng góp quan trọng vào sự phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu nói riêng và công nghiệp TP nói chung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành LTTP cũng rất tích cực trong việc phủ kín hàng hóa các kênh phân phối truyền thống cũng như thực hiện chính sách bình ổn giá theo chỉ đạo của TP nhằm tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, kích thích sản xuất.

Ông Kao Siêu Lực - Phó Chủ tịch FFA, cho biết hiện nay với vai trò kinh tế đầu tàu, các doanh nghiệp ngành LTTP tại TP.HCM cũng nhanh chóng bắt kịp xu hướng phát triển, đầu tư thay đổi máy móc trang thiết bị hiện đại nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và hạ giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh để không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa mà còn cả xuất khẩu. 

Chia sẻ với vai trò doanh nghiệp, ông Lực cho hay hiện nay DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC) của ông đang phát triển mạnh và đầu tư cho phân khúc cao cấp như sân bay, khách sạn. 

"Năm nay Nhật Bản đã đặt hàng sản phẩm của ABC sớm hơn và nhiều container so với năm ngoái. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn nguồn cung nguyên liệu cho việc chế tạo sản phẩm nhằm phục vụ cho nhu cầu nội địa và cả xuất khẩu đến các thị trường có nhu cầu khó tính như Nhật Bản" - ông Lực nói.

Hiện nay, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ đó, các doanh nghiệp ngành LTTP vẫn còn vướng không ít khó khăn về nhân công, nhân công quý hiếm ngành LTTP, nhu cầu đòi hỏi cao. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong nguồn vốn đầu tư cho thay đổi máy móc thiết bị, nguồn vốn vay - cũng cần được nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn. 

Tin, ảnh: Kim Ngọc

Nên đọc