TP.HCM: Doanh nghiệp tìm cách thích ứng để tồn tại trong giai đoạn mới

(CL&CS) - Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thích ứng để tồn tại. Hoạt động sản xuất đã quay trở lại và đang tăng tốc, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang thiếu hụt nguồn lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (FFA), trong thời gian TP.HCM giãn cách do dịch Covid-19, vì là ngành thực phẩm, cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu nên hầu hết doanh nghiệp trong Hội vẫn duy trì sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” với công suất khoảng 50%. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp không bị thiếu hụt lao động nhiều, có thể phục hồi nhanh.

Trước mắt, các doanh nghiệp trong ngành tập trung cho việc ổn định sản xuất, chuẩn bị mở rộng công suất lên mức 70-80% và tùy tình hình để tiến tới 100% công suất. Các doanh nghiệp đều xác định tâm thế cần sớm khôi phục sản xuất để phục vụ thị trường nội địa, nhất là chuẩn bị dự trữ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2022.

Cũng theo Chủ tịch FFA, hiện có nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp phải quan tâm, như đưa người lao động quay trở lại sản xuất, nhất là với những doanh nghiệp xuất khẩu rất cần ổn định lao động để tập trung trả nợ đơn hàng. Hay tình trạng giá nguyên liệu đầu vào, do ảnh hưởng dịch bệnh đang bị đẩy lên quá cao.

Ngoài ra, việc phải “chống chọi” để duy trì hoạt động trong mấy tháng dịch bệnh vừa qua khiến doanh nghiệp đang rất thiếu vốn do vốn dự trữ đã dùng hết. Do đó, doanh nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính lúc này.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh cho biết, doanh nghiệp xác định đặt an toàn cho người lao động lên trên. Công ty không áp lực việc mở cửa ngay lập tức khi chưa yên tâm về điều kiện an toàn của người lao động. Hiện công ty vẫn tổ chức vận hành theo "3 tại chỗ" ít nhất trong 10 ngày đầu tháng 10.

Nhựa Bình Minh vẫn kỳ vọng hoạt động vận chuyển, đi lại liên vùng giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận cởi mở hơn trong những ngày tới. Bởi phương án tốt nhất là người lao động được đi, về hàng ngày sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trước mắt, công ty đặt mục tiêu có thể khôi phục ngay 70% lực lượng lao động, những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, lộ trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ dựa trên kịch bản phục hồi của TP.HCM. Trước tiên, công ty rà soát lại tất cả các yếu tố của quy trình sản xuất kinh doanh, đánh giá hiện trạng sau 3 tháng sản xuất "3 tại chỗ". Từ tháng 11, công ty có thể phục hồi 100% nguồn lực của doanh nghiệp.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc CTCP Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, trong thời gian giãn cách, để bảo đảm an toàn, ổn định sản xuất, có khoảng 70% lao động thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp hỗ trợ nhu yếu phẩm để người lao động yên tâm. Đến nay người lao động đang làm việc đều đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine. Để chuẩn bị cho phục hồi sản xuất hiện lãnh đạo các tổ, đội sản xuất đang hàng ngày nắm lại tình hình số lao động còn lại.

Do APT có kho lạnh, nên vẫn còn hàng dự trữ. Tuy vậy, hiện cũng có 2 thị trường xuất khẩu mà thời gian qua doanh nghiệp không giao đủ hàng, chỉ bảo đảm được 50% nhu cầu của khách hàng khiến doanh nghiệp đang nợ nhiều đơn hàng xuất khẩu. Về thị trường nội địa, trong 2 tuần tăng cường giãn cách nên tiêu thụ cũng giảm. Hàng chế biến tuy tiêu thụ tốt, nhưng hàng tươi sống bị chững lại. Tình hình tiêu thụ hiện bắt đầu khôi phục khi các siêu thị cho người tiêu dùng mua trực tiếp. 

Ông Trương Tiến Dũng cũng cho biết, mặc dù thị trường đang rất cần nguồn cung, từ nội địa đến xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn... Đáng chú ý, tình trạng thiếu lao động khiến doanh nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, đồng thời phải tìm kiếm lao động mới và kéo theo đó là phải tăng chi phí cho việc đào tạo. Các năm trước, thời điểm này đang bắt đầu cao điểm sản xuất hàng Tết và đơn hàng Giáng sinh cho thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Về giải pháp tới đây, ông Trương Tiến Dũng cho rằng, tất cả phải xoay quanh việc tổ chức sản xuất, chăm lo cho người lao động, giữ chân người lao động và thu hút lao động mới để có thể duy trì và khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó còn phải kết nối, khôi phục lại thị trường, phải giữ cả đầu vào, đầu ra để giữ tăng trưởng.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, không phải chờ chỉ thị của TP.HCM về phục hồi, phát triển kinh tế, các doanh nghiệp ở TP.HCM, trong đó có Nam Thái Sơn đều đã phải chuẩn bị từ trước đó. Cụ thể, chuẩn bị về nguyên vật liệu, đàm phán với khách hàng, chuẩn bị các đơn hàng và đặc biệt là chuẩn bị cơ sở hạ tầng về y tế tại chỗ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay, không chỉ với Nam Thái Sơn, mà với nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM, đó là người lao động,

Có hai vấn đề chính về người lao động. Một là nhiều người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng tâm lý chưa ổn định để bắt tay vào làm việc. Thứ hai, các lao động làm việc tại TP.HCM nhưng lại ở các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương hiện không thể vào TP.HCM để làm việc. Cụ thể, nhà máy đặt tại Cát Lái của Nam Thái Sơn, cạnh bến phà nhưng hiện nay gần 200 công nhân ở ngay bên kia sông là huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai không thể qua để làm việc.

"Hiện các khách hàng lâu năm vẫn chờ đơn hàng của chúng tôi trong tháng 10 này, rất mong đợi chính sách phối hợp về đi lại giữa TP.HCM với các địa phương trong vùng", ông Trần Việt Anh chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN