TP.HCM cần có quy hoạch thoát nước đồng bộ

(CL&CS) - Bộ Xây dựng kết luận chỉ cần 10 năm nữa nếu không đưa ra giải pháp toàn cảnh thì đô thị TP.HCM phải tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để ứng phó mỗi khi có triều cường và mưa xuất hiện.

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thoát nước mới tại TP.HCM. Mục tiêu đề án đề ra là lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố; làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm ngập, TP.HCM cần giảm bê tông hóa kênh rạch và xây dựng hồ điều tiết tại nhưng khu đô thị mới

Theo Bộ Xây dựng, TP.HCM hiện đang thực hiện theo quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước theo Quyết định 752/CP-TTg năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, thực tế quy hoạch này chỉ đề cập việc thoát nước khu vực trung tâm thành phố với diện tích 650 km2. Cụ thể, quận nội thành chiếm 140 km2, ngoại thành chiếm 510 km2 trong khi TP.HCM đã định hướng mở rộng các quận 2, 9, 12, Bình Tân, Tân Phú...

Như vậy, theo quy hoạch hiện tại chỉ có 30% diện tích thành phố được tính toán các phương án chống ngập. Chưa kể, quy hoạch hiện tại còn chưa lường hết các yếu tố của ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, các vấn đề sụt lún nền đất tự nhiên.

Bộ Xây dựng cho rằng, nếu không đưa ra giải pháp toàn cảnh thì chỉ cần 10 năm nữa đô thị TP.HCM phải tốn hàng chục ngàn tỷ đồng để ứng phó mỗi khi có triều cường và mưa xuất hiện. Do đó, đòi hỏi TP.HCM phải có quy hoạch thoát nước mới là tất yếu.

Cũng theo Bộ Xây dựng, Bộ này đã kiến nghị quy hoạch thoát nước mới mở rộng trên diện tích gấp hơn 3 lần quy hoạch cũ, tổng diện tích được quy hoạch hệ thống thoát nước lên đến 2.095 km2 (trừ huyện Cần Giờ). Ðồng thời, quy hoạch thoát nước mới còn bổ sung mở rộng thêm nghiên cứu tác động của các tỉnh lân cận như Ðồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An để hoàn chỉnh quy hoạch thoát nước có tính liên kết.

Theo TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam cho rằng, TP.HCM được bao bọc bởi 3 hệ thống sông lớn gồm sông Sài Gòn, Ðồng Nai và Vàm Cỏ. Trong lòng thành phố có hàng ngàn con kênh, rạch, ao hồ lớn nhỏ, tuy nhiên, trong quá trình phát triển, TP.HCM đã lấp nhiều kênh rạch và ao hồ. Do đó, ngoài khơi thông dòng chảy kênh rạch vẫn còn hiện hữu, thành phố cũng cần tính toán khơi thông lại những con kênh đã bị bê tông hóa. Như vậy, quy hoạch thoát nước mới phát huy hiệu quả một cách tối đa khi gặp mưa lớn hay triều cường dâng cao.

Cùng quan điểm trên, KTS Lê Thành Khái (ÐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết, theo thống kê nhiều năm qua, TP.HCM đã lấp trên 30 triệu m2 diện tích ao, hồ và kênh, rạch tự nhiên. Do đó, việc khơi thông khó có thể đạt được con số đã lấp, lý do là chi phí đền bù giải tỏa quá cao.

KTS Lê Thành Khái kiến nghị, cách tốt nhất hiện nay là ngoài cố gắng khơi thông kênh rạch ở mức có thể thì nhất thiết phải giảm tình trạng bêtông hóa kênh rạch và tăng cường các hồ điều tiết xen kẽ khu dân cư. Khi hình thành các khu đô thị mới bắt buộc phải làm hồ sinh thái, hồ điều tiết với tỉ lệ cao hơn hiện hành.

TIN LIÊN QUAN