UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ VHTT&DL cho biết đã chỉ đạo Sở VH-TT phối hợp Liên đoàn Vovinam Thành phố thực hiện công tác kiểm kê di sản và hoàn thiện lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể “Việt Võ đạo”.
Văn bản của UBND TP HCM nêu rõ, căn cứ quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản có liên quan, UBND TP HCM đề nghị Bộ VHTT&DL xem xét đưa di sản Việt Võ đạo vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tổ đường Vovinam - Việt Võ đạo trên đường Sư Vạn Hạnh, TP HCM. Ảnh: NĐT
Theo tài liệu của Sở VH-TT TP HCM, di sản văn hóa Việt Võ đạo còn có tên gọi khác là Vovinam. Đây là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam do cố võ sư Nguyễn Lộc sáng tạo vào năm 1938 tại Hà Nội.
Những người thực hành di sản học võ đạo và luyện tập võ thuật ở nhiều không gian đa dạng từ các khuôn viên công cộng đến các sân trường học, cơ quan; từ các câu lạc bộ đến các trung tâm văn hóa thể thao…
Bên cạnh những người thực hành di sản thông thường, còn hình thành các thế hệ vận động viên chuyên nghiệp, tham gia hệ thống các giải thi đấu quốc gia và quốc tế.
Vovinam - Việt Võ đạo được đưa vào các giải thi võ thuật trên thế giới, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Cùng với đó, mạng lưới Vovinam trong nước và quốc tế ngày càng nhân rộng, với điểm xuất phát từ TP HCM.
Ở phạm vi quốc tế, Vovinam - Việt Võ đạo hiện đã phát triển trên quy mô rộng lớn với hơn 2 triệu võ sinh có mặt ở gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giải Vovinam - Việt Võ đạo cúp châu Phi lần thứ tư tổ chức tại Algeria tháng 11/2022. Ảnh: TTXVN
“85 năm trải qua nhiều bước thăng trầm (1938 - 2023), Vovinam - Việt Võ đạo đã có những đóng góp nhất định vào nền võ thuật Việt Nam và thế giới. Với hệ thống kỹ thuật mang tính dân tộc, khoa học, thực dụng, sáng tạo cùng với triết lý nhân sinh thượng võ và tấm lòng xả kỷ, Vovinam - Việt Võ đạo đã góp phần giới thiệu đất nước và con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế”, tài liệu của Sở VH-TT TP HCM nhận định.
Dựa trên nguyên lý cương nhu phối triển, các môn sinh Vovinam - Việt Võ đạo được tập luyện từ những đòn thế cơ bản đến các bài quyền, sử dụng binh khí như kiếm, trường côn, đại đao… Ngoài ra, môn sinh còn được tập luyện với các bài tập tay không chống vũ khí, các phản đòn trình độ, các lối khóa gỡ tự vệ từ căn bản đến nâng cao và đặc biệt là hệ thống 21 đòn chân tấn công đặc trưng. |