Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân. Thực tế, tin giả không phải gần đây mới xuất hiện, tuy nhiên dưới sự phát triển của mạng xã hội, nên thông tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng.
“Trước đây tin đồn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên một ngày đẹp trời có một chỗ nào đó đăng tin những tác động tiêu cực về sản phẩm của họ - chẳng hạn ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Cùng với đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về sức khỏe của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động, tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.
Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp. Điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với “bóng ma".
Thay vì trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết được từ một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin thì hiện nay, với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai… nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.
“Tình trạng này có thể chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, với kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được nó ở đâu ra. Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực”, Phó Tổng thư ký VCCI nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Vũ Long, quyền Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect đưa ra thực trạng doanh nghiệp đang phải học cách thích nghi, sống chung với tin giả.
"Nhưng xử lý tin giả, tin đồn thì doanh nghiệp không thể tự xử lý được, mà cần phải có sự kết hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Long nói.
Công ty của ông có cách xử lý là duy trì và giữ giao lưu với khách hàng để khi có sự cố, có thể nhanh chóng truyền thông lại trực tiếp để giúp nhà đầu tư trên thị trường bình tĩnh trở lại.
Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận, thời kỳ bùng nổ tin giả đã và đang gây ra nhiều mối hiểm họa nguy hại. Các thông tin không đúng sự thật này không chỉ có sức công phá nền kinh tế, tài chính, nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn an ninh của mỗi quốc gia.
Trong phạm vi nhỏ hơn tin giả công phá khủng khiếp vào quyền lợi của doanh nghiệp, cá nhân. Nhiều doanh nghiệp nằm trên bờ vực phá sản hoặc lao đao do tin đồn thất thiệt.
Còn ông Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội thừa nhận, chế tài xử tin giả còn nhẹ quá. Tuy nhiên “điều này không có nghĩa là hình phạt cao thì tội phạm giảm trong đó có cả tin giả và những hậu quả của nó”, ông Huế nhìn nhận.
Giải pháp căn cơ vẫn là nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Cùng đó phản ứng cơ quan báo chí chính thống cần nhanh hơn. Đặc biệt việc xử lý nạn tin giả cần triệt để hơn.
Còn từ góc độ quản lý Nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá tin giả liên quan đến doanh nghiệp hiện nhiều đến mức báo động.
Trung tâm xử lý tin giả từ tháng 4/2021 đến nay đã tiếp nhận gần 5.000 tin giả và phân loại xử lý, đóng dấu tin giả được 50 tin.
"Có những tin không phải tin giả mà là những tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, những tin cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, chúng tôi đã chuyển đến những nơi khác để xử lý", ông nói.
Ông Do lưu ý các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn, không nên chờ qua một quy trình gửi về Trung tâm xử lý tin giả.