Tìm hướng gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu

(CL&CS) - Trước ảnh hưởng bất lợi của xung đột Nga - Ukraine, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán quốc tế, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trước vấn đề này, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang thị trường khác.

Trước ảnh hưởng bất lợi của xung đột Nga - Ukraine, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn trong vấn đề thanh toán quốc tế, chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2021 Việt Nam xuất sang Nga khoảng 550 triệu USD hàng nông - lâm - thủy sản. Trong đó thủy sản (164 triệu USD), cà phê (173 triệu USD), tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm khoảng 2%).

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xung đột Nga - Ukraine khiến hoạt động xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam đối mặt với rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng khi các hãng tàu lớn tuyên bố không vận chuyển hàng hóa đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển… Thương mại nông nghiệp Việt Nam với Nga và Ukraine bị suy giảm đáng kể.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cho biết, một số đơn hàng đã gửi đi phải quay trở lại, giao dịch xuất khẩu cá ngừ sang cả 2 nước nói trên đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng. Chuỗi cung ứng cho sản xuất và xuất nhập khẩu bị đứt gãy. 

“Trước tình hình này, mặc dù hai thị trường không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, nhưng trước những tác động nói trên dự kiến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng tới sẽ “giảm tốc”, VASEP nhận định.

Cũng theo VASEP thì không chỉ cá ngừ, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga cũng bị ảnh hưởng. Các lô hàng đi Nga đã xuất nhưng chưa chắc chắn về khả năng thông quan và hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Nga hiện đang gặp khó khăn về khâu thanh toán qua ngân hàng.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nói: “Nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội cho hay, khó xuất khẩu đi Nga trong giai đoạn này vì chưa biết thanh toán ra sao; tỷ giá hiện tại cũng ảnh hưởng đến giá cả nên không thể chốt được hợp đồng. Ngoài ra, không có tàu chở thì cũng không xuất hàng được. Vấn đề hiện nay là cần có thời gian để các doanh nghiệp xác định và tìm phương thức phù hợp rồi mới tính tới chuyện xuất khẩu”.

Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thông tin, dù tỷ trọng của cá tra Việt Nam tại thị trường Nga không phải là quá lớn so với các thị trường khác nhưng với tình hình chiến sự Nga - Ukraine như hiện nay, nhất là việc Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Nga sẽ bị ảnh hưởng.

Tương tự cá tra, cá ngừ… xuất khẩu hạt điều cũng là ngành hàng chịu tác động. Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) làm văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị giảm chỉ tiêu xuất khẩu điều xuống 3,2 tỷ USD trong năm 2022. Lý do đưa ra đề xuất này theo Vinacas là do lo ngại bất ổn chính trị thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.

 “Trong xuất khẩu điều, thị trường EU chiếm khoảng 35% sản lượng. Xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine nếu kéo dài hoặc tiếp tục bất ổn thì tác động rất nhiều đến xuất khẩu hạt điều trong năm 2022, do đó ngành điều cần giảm chỉ tiêu xuống ở mức phù hợp với tình hình thực tế”, Chủ tịch Vinacas Phạm Văn Công thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thì tình hình leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraina đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở phạm vi toàn cầu, cuộc xung đột cùng với các khó khăn do dịch bệnh đang làm đứt gãy nguồn cung của một số mặt hàng vật tư chiến lược như xăng dầu, khí đốt, lương thực thực phẩm.  

Bên cạnh đó, cuộc xung đột cũng đã và đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông, logistics, một số mặt hàng chiến lược tăng giá, kéo theo chí phí đầu vào tăng cao. Cùng với đó, lạm phát toàn cầu tăng lên làm cho tiêu dùng của thế giới vốn đã yếu ớt sau đại dịch nay càng khó khăn hơn. Một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu ra thị trường thế giới, nay vì nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thu hẹp cũng đã chịu ảnh hưởng lớn.

Nỗ lực tìm giải pháp

Trước những khó khăn trên, Bộ Công thương đã gửi các hiệp hội và doanh nghiệp khuyến cáo lưu ý về khả năng hàng hóa bị chậm chễ giao do phải chờ thông quan nhiều ngày, dẫn đến rủi ro trong khâu thanh toán. Thận trọng lường trước tình hình, với phương án dài hơi hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng khuyến các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. Và bộ này cũng sẵn sàng hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội thị trường mà Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do.

Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ trong việc thanh toán khi có hàng xuất khẩu đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Bộ NNPTNT cũng sẽ làm việc với các Hiệp hội ngành hàng như: VASEP, Hiệp hội Cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường trước đây có lượng nhập khẩu khá lớn (EU, Trung Quốc, Trung Đông…) từ Nga, Ukraine đối với các mặt hàng như: Thủy sản, gỗ và nội thất.

Còn theo ông Trương Đình Hòe thì trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam phải thường xuyên liên hệ và nắm thông tin thông qua các nhà nhập khẩu, bởi vì thực tế chiến sự xảy ra ở Ukraine, còn những nhà nhập khẩu thì ở Nga.

Ông Hòe cũng cho rằng, vấn đề hiện nay là chủ yếu tập trung giải quyết kênh thanh toán, sau đó là đến vận chuyển. Tình hình nhìn trước mắt nhiều khó khăn, phải làm sao tập trung giải quyết từng việc một, thấy được phương án cụ thể.

TIN LIÊN QUAN