Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm tra các tờ trình, nghị quyết về lĩnh vực kinh tế, ngân sách

(CL&CS) - Nội dung thẩm tra về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội chủ trì được xác định quan trọng và cho thấy nhiều kinh nghiệm có thể nhân rộng.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga chia sẻ, để thẩm tra tốt thì mỗi đại biểu HĐND thành phố cần nắm chắc các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hình minh họa

Bên cạnh đó, mỗi đại biểu cũng nghiên cứu kỹ Điều 83 Luật Đầu tư công về xem xét, cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu. Ngoài ra, đại biểu cũng cần nắm rõ Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước về căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao…

Cũng trên cơ sở tìm hiểu kỹ các quy định, căn cứ vào báo cáo của UBND thành phố cũng như hoạt động giám sát của mình, Ban Kinh tế - Ngân sách đã thực hiện tốt vai trò thẩm tra, được Thường trực HĐND thành phố ghi nhận.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà nhận định, ngoài thẩm tra kỹ báo cáo, Ban Kinh tế - Ngân sách còn phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị thực hiện rà soát, đánh giá, khảo sát thực tiễn về một số nội dung trước kỳ họp. Qua đó, việc thẩm tra có chất lượng, khẳng định được các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và phát hiện nhiều vấn đề còn hạn chế, nổi cộm qua báo cáo, tờ trình để UBND thành phố tiếp thu, giải trình, bổ sung. Từ đó giúp đại biểu HĐND thành phố có đủ căn cứ thảo luận, quyết nghị các nội dung tại kỳ họp.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Vũ Ngọc Anh cho rằng, yếu tố quan trọng nữa chính là cần thẩm tra tính đầy đủ, phù hợp trong hồ sơ trình của UBND thành phố, gồm báo cáo, tờ trình, biểu mẫu, thuyết minh, dự thảo nghị quyết của HĐND. Đối với các nội dung báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết, cần đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách kỳ vừa qua; so sánh kết quả thực hiện với các mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, biện pháp đã được HĐND quyết nghị.

Đối với dự toán thu, đại biểu cần căn cứ số thu ngân sách cấp trên giao, kết quả thực hiện của kỳ trước kỳ kế hoạch, các nhân tố tác động tăng, giảm số thu trong năm (phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi chính sách thu...) để quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn số cấp trên giao. Trường hợp giao số thu ngân sách địa phương cao hơn thì cần làm rõ nguồn và tính khả thi…

TIN LIÊN QUAN