Tiền Giang: 19 doanh nghiệp FDI “kêu cứu” vì không thể quay lại sản xuất

(CL&CS) - Ngày 19/10, cộng đồng 19 doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 70.000 lao động của tỉnh Tiền Giang đã cùng ký đơn cầu cứu gửi Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trong thư cầu cứu các DN FDI cho biết, từ 15/7 đến nay, đa số DN ở Tiền Giang ngừng sản xuất để tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền. Hiện hơn 80% người lao động (NLĐ) của các nhà máy đã tiêm mũi một vaccine COVID-19 đủ 14 ngày nhưng vẫn chưa được quay lại phân xưởng. Bởi quan điểm của chính quyền tỉnh, "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất", chỉ khi nào 100% lao động tiêm mũi 2 đủ 14 ngày, DN mới có thể hoạt động trở lại.

Trước những khó khăn phải dừng sản xuất kéo dài, ngày 1/10 các DN lớn trên địa bàn tỉnh có thư kêu cứu gửi đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, song đến nay chưa nhận được phản hồi, tình hình không thay đổi.

Trong khi đầu tháng 10/2021, nhiều tình thành phía Nam dã có phương án hoạt động và hướng dẫn cụ thể cho DN, NLĐ các vấn đề cần làm khi sản xuất trở lại. Riêng tỉnh Tiền Giang vẫn giữ quan điểm tiếp tục lấy mô hình sản xuất "3 tại chỗ" làm trọng tâm kèm theo các yêu cầu xét nghiệp phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế gây khó khăn cho NLĐ cũng như lãng phí tài chính của DN trong lúc khó khăn.

DN cũng cho biết, Tiền Giang cũng áp dụng phân vùng 2 trên địa bản toàn tỉnh, từ đầu tháng 10/2021, rất nhiều cơ sở kinh doanh mua bán đã được phép hoạt động bình thường, người dân đã được đi lại tự do trong tỉnh, nhưng lại không thể đi làm, DN đóng cửa và thiệt hại kép dài khiến cho DN rất bức xúc và khó hiểu.

“Việc Tiền Giang “một mình đi một đường” khiến DN và NLĐ rất khổ sở. Đã hơn 3 tháng nay, đa số công nhân lao động tại các DN vẫn phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, đời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Chuỗi cung ứng đứt gãy, khách hàng quốc tế, DN và NLĐ cùng tôi đã cạn kiệt kinh tế và lòng tin đối với Tiền Giang. Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng trước những gì đang diễn ra. Ngay bây giờ, chúng tôi cần nhứng giải pháp từ Chinh phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng cùng với hàng nghìn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu Tringđang bị bỏ ngổn ngang trong nhiều tháng ròng”- Các DN lên tiếng.

Trong đơn, các DN khẩn thiết đề nghị Thủ tướng xem xét 5 vấn đề: Thứ nhất, không bắt buộc nhà máy sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, 2 địa điểm";Thứ hai, cho NLĐ đang sống tại vùng 1 đến vùng 3 (nguy cơ thấp - trung bình - cao) đã  được tiêm ít nhất một mũi vaccine đủ 14 ngày theo Nghị quyết 128 được dùng xe cá nhân và xe đưa đón để quay lại nhà máy sản xuất vào 1/11. DN sẽ cung cấp danh sách và phương án phòng chống dịch tại đơn vị;Thứ ba, không giới hạn thời gian giới nghiêm (19h đến 5h hôm sau) đối với NLĐ trong quá trình đến nhà máy làm việc;Thứ tư, cho phép DN test nhanh kháng nguyên, không bắt buộc xét nghiệm PCR mẫu đơn cho NLĐ vào ngày đầu tiên quay lại làm việc. Sau đó DN sẽ xét nghiệm hàng tuần theo quy định của Bộ Y tế; Thứ năm, cho phép NLĐ ngoài tỉnh đã tiêm đủ 2 liều vaccine quay lại Tiền Giang làm việc.

Được biết, trước đó vào ngày 29/7, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo dừng hoạt động 9 khu, cụm công nghiệp từ ngày 5/8 để ngăn ngừa dịch lây lan. Quyết định đã khiến nhiều DN gặp khó khăn và đã có thư cầu cứu Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.

VEPR: Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan

“Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý III/2021” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố cho biết, trong Quý 3/2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 697,2 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5%. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước giảm 20,6%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước giảm 1,4% và khu vực có vốn đầu tư FDI ngoài có mức giảm mạnh nhất là 20,7%. Đáng ngại, số dự án FDI tính đến cuối tháng 9 giảm mạnh về số lượng (37,8%). Vốn FDI tuy có tăng (20,6%) về vốn đăng ký nhưng lại giảm (3,5%) về vốn thực thực hiện)

Các chuyên gia VEPR cảnh báo, việc chuyển đơn hàng của một số DN FDI, sự rời bỏ thành phố của NLĐ có thể trở thành vấn đề lâu dài nếu Việt Nam không có những thay đổi phù hợp.

Đặc biệt, chuyên gia VEPR nhấn mạnh, Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng các biện pháp chống dịch cực đoan, đặc biệt là ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao.

“Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc lớn vào chiến lược ứng xử với đại dịch trong thời gian tới. Các gói hỗ trợ an sinh xã hội và thúc đẩy đầu tư công có thể hỗ trợ phần nào cho tăng trưởng. Lạm phát do chi phí đẩy là một rủi ro cần phải được giám sát chặt, bất kì một nới lỏng tiền tệ nào cần phải hết sức thận trọng”- Chuyên gia Viện VEPR khuyến cáo.

 

TIN LIÊN QUAN