Trong bối cảnh số hóa toàn cầu, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Chuyển đổi số là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành xuất bản.
Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 Nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản được trên 1.000 đầu sách.
Bạn đọc lựa chọn sách tại Hội Sách Hà Nội lần thứ VII - năm 2022
Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ, sự tăng trưởng ấn tượng của một số Start up (doanh nghiệp khởi nghiệp) như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty cổ Phần Đầu tư Và Phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet... cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Các đơn vị xuất bản, phát hành, phân phối sách cho rằng, chuyển đổi số là con đường giúp họ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay tất cả các hoạt động đều gắn với chuyển đổi số từ lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, chuyển đổi số ở lĩnh vực văn hoá là rất quan trọng. Không gian mạng là cơ hội tốt để lan toả văn hoá do đó ngành xuất bản rất cần đầu tư để chuyển đổi số.
Hiện các Nhà xuất bản đều có kế hoạch, chiến lược để chuyển đổi số. Nhà Xuất bản Phụ nữ đã xây dựng Đề án “Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ và trẻ em” đã được Chính phủ phê duyệt và triển khai. Khi Trung tâm tri thức số đi vào hoạt động, riêng mảng sách cũng như các hoạt động liên quan đến xuất bản sẽ là một trụ cột quan trọng để chúng tôi không chỉ phổ biến tri thức cho người dân mà còn lan toả được rất nhiều các thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước đối với người dân”.
Tương tự, ông Lê Hoàng Thạch (CEO ứng dụng sách nói Voiz FM) cũng chỉ ra rằng văn hóa đọc cần gắn với nhu cầu người dùng. Ở Việt Nam, lượt search về sách nói cao, thể hiện nhu cầu của người dùng. Vì vậy, Voiz FM được tạo ra để đáp ứng một nhu cầu của người dùng.
Ra mắt từ cuối năm 2019, Voiz FM hiện có hơn 1.000.000 lượt tải, với khoảng 100.000 người dùng tích cực mỗi tháng. Năm 2021, ứng dụng này đã đạt mốc tăng trưởng gấp 50 lần, với kho nội dung được cho là có số lượng phong phú hàng đầu hiện nay với gần 2.000 nội dung chất lượng cao, có bản quyền.
Khẳng định chuyển đổi số là xu thế của mọi ngành nghề, đồng thời là một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển của hoạt động xuất bản, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên cho biết, “Chuyển đổi số hiện nay là động lực cho sự phát triển của ngành, nếu không có chuyển đổi số, xuất bản Việt Nam rất khó để có thể vươn lên đáp ứng yêu cầu sắp xếp ngành Xuất bản, In và Phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Xuất bản điện tử đang có điều kiện, thời cơ để phát triển. Để thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển xuất bản điện tử, chúng tôi sẽ kiến nghị để hoàn thiện, sửa đổi bổ sung Luật Xuất bản, trong đó có những quy định mới liên quan đến xuất bản điện tử để tạo ra một hành lang thông thoáng cho sự phát triển xuất bản điện tử, đồng thời tiếp tục kêu gọi các đơn vị đẩy mạnh đầu tư về nền tảng công nghệ; quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực”.
Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản và khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành, đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, thách thức lớn mà ngành Xuất bản gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số là nhận thức. Hiện nay một số đơn vị vẫn còn chần chừ quan sát việc thực hiện chuyển đổi số có thực sự cần thiết hay không nhưng thời điểm hiện nay việc chần chừ là không phù hợp mà cần phải thực hiện chuyển đổi số theo cách thức phù hợp với đơn vị mình. Cùng đó là vấn đề bản quyền, nếu không giải quyết vấn đề này thì mọi hoạt động chuyển đổi số sẽ khó đi đến kết quả có giá trị thực sự thành công.