Thúc đẩy tăng trưởng bền vững bằng nền kinh tế sáng tạo

(CL&CS) - Kinh tế sáng tạo (KTST) dù là khái niệm khá mới, nhưng thực tế tại Việt Nam, mỗi năm việc xuất khẩu hàng hóa sáng tạo đang giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD.

Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Ảnh minh hoạ: Internet.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng phát triển của KTST là gần như không có giới hạn (dự báo sẽ mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế) vì vậy cần khai thác hiệu quả hơn để đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Khả năng thương mại lớn và sức cạnh tranh toàn cầu

Tuy có tiềm năng lớn nhưng KTST ở Việt Nam mới chỉ mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi. Việt Nam cũng chưa có khái niệm cụ thể về KTST phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Việt Nam hiện đang phải đối diện với những rủi ro, thách thức liên quan đến mức độ bền vững của tăng trưởng. Tăng trưởng của Việt Nam vẫn dựa đáng kể vào gia tăng nguồn lực đầu vào và các ngành thâm dụng lao động, tài nguyên, trong khi đó, đóng góp của các nhân tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là điều kiện bắt buộc để Việt Nam đạt các mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn khi các đầu vào tăng trưởng truyền thống như vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần đạt ngưỡng giới hạn. Vì vậy, khái niệm KTST đã ra đời và liên tục được điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua.

Với tư duy thúc đẩy nền KTST, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch. Quan trọng hơn, tư duy về KTST giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động.

Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của KTST và thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Theo báo cáo công bố năm 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam xếp thứ 3 trong Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hóa sáng tạo hàng đầu thế giới với 14,15 tỷ USD, chiếm 2,7% trong tổng xuất khẩu hàng hóa sáng tạo trên thế giới. Giá trị xuất khẩu dịch vụ sáng tạo vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo.

Thực tế cũng cho thấy, xuất khẩu các dịch vụ sáng tạo đã vượt xa xuất khẩu hàng hóa sáng tạo do sự gia tăng mạnh mẽ trong xuất khẩu phần mềm, dịch vụ nghiên cứu và phát triển, cũng như số hóa một số hàng hóa sáng tạo. Các nước phát triển có thế mạnh trong xuất khẩu dịch vụ sáng tạo hơn các nước đang phát triển, song khoảng cách giữa hai nhóm quốc gia này đang dần thu hẹp.

Ở Việt Nam, MISA được biết đến như một công ty cung cấp phần mềm về tài chính kế toán cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phổ biến nhất. Với mong muốn lớn mạnh gấp nhiều lần, MISA đã thay đổi mục tiêu tạo nhiều sản phẩm hơn, mở rộng thị phần. Vì vậy, doanh nghiệp đã thiết kế và xuất khẩu phần mềm MISA CukCuk ra thế giới. Sau 5 năm tiến ra thị trường quốc tế, hiện tại, phần mềm này đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và đạt doanh số gần 2 triệu USD. Đặc biệt, sản phẩm này cách đây không lâu đã chính thức tiến vào thị trường đầy tiềm năng là Mỹ, doanh nghiệp phấn đấu lọt vào Top 3 phần mềm POS (công cụ hỗ trợ bán hàng) tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này với mục tiêu doanh số 1 triệu USD trong năm 2024 và 50 triệu USD trong 5 năm tới.

Xây dựng “lối mở” trong cơ chế chính sách

Đánh giá về tiềm năng phát triển KTST của Việt Nam, chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành cho rằng, một ngành công nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng văn hóa được kết nối rộng rãi và được hỗ trợ mạnh mẽ sẽ mang đến cho Việt Nam khả năng thương mại lớn và “sức” cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam có thị trường nội địa lớn, cùng với thị trường khu vực đang mở rộng và rất nhiều hứa hẹn. Thuận lợi này bảo đảm tiềm năng tăng trưởng cho ngành công nghiệp sáng tạo. Việt Nam lại có dân số trẻ, có “độ nhạy” thương mại và trình độ công nghệ kỹ thuật số ngày càng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về sự đa dạng văn hóa. Sự phong phú và khác biệt vùng, miền cũng tạo điều kiện nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển những sáng tạo văn hóa.

Để phát triển KTST, PGS-TS. Nguyễn Thường Lạng (trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, KTST có thể tạo giá trị gia tăng lớn và không hoàn toàn giống với giá trị gia tăng thông thường mà liên quan đến các sản phẩm có tính sáng tạo như sản phẩm văn hoá, phát minh công nghệ, sáng tạo phương thức vận hành, công cụ và phương pháp mới, độc đáo, tạo thay đổi bất ngờ thậm chí cơ cấu và giá trị ngành công nghiệp, cơ cấu thị trường, rộng hơn là cơ cấu kinh tế. Phát triển KTST sẽ tạo khả năng tối đa hoá tiềm năng hiện có, thậm chí mở rộng tiềm năng ra ngoài giới hạn hiện tại. Do đó, cần tầm nhìn mới, mô hình mới và chuyển đổi mạnh tư duy, dựa vào nền tảng đổi mới sáng tạo đang hình thành và đầu tư nghiên cứu phát triển đang tăng lên. Về lâu dài, cần có Chiến lược phát triển KTST giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2050 ở tầm quốc gia. Đây là chỗ dựa để tích hợp và khơi nguồn sáng tạo để nguồn lực sáng tạo được “kinh tế hóa”, “giá trị hóa” thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển đột phá. Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của cơ quan bảo hộ sở hữu trí tuệ và mở rộng mức độ ảnh hưởng.

Nhấn mạnh tiềm năng, vai trò của sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng cho rằng, cần phát huy tiềm năng sở hữu trí tuệ như một công cụ đắc lực cho phát triển KTST. “Việt Nam cần chuyển từ nước sử dụng tài sản trí tuệ sang là nước tạo ra tài sản trí tuệ trong quá trình phát triển KTST. Sáng tạo là quá trình không ngừng nên có lúc cần đến sự quyết đoán bởi công nghệ khó có thể chờ pháp luật”, bà Hạnh khuyến nghị.

Tuy có tiềm năng lớn nhưng KTST ở Việt Nam mới chỉ mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi. Việt Nam cũng chưa có khái niệm cụ thể về KTST phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN