Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng đang là xu hướng tất yếu của thế giới. Không ngoại lệ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chủ trương phát triển vật liệu xây dựng xanh. Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp quan tâm tới việc dán nhãn xanh, nhãn năng lượng cho các sản phẩm vật liệu xây dựng một cách nghiêm túc.
Khảo sát sơ bộ cho thấy, có tới 99% doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang lưu hành những sản phẩm phát thải thấp, vật liệu xây dựng xanh nhưng không dán nhãn vật liệu xây dựng xanh, nhãn năng lượng. Trong khi đó, đây là việc làm giúp doanh nghiệp có điều kiện khẳng định tính chất xanh, ưu việt, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội của mình.
Thúc đẩy pháp lý trong việc dán nhãn xanh cho vật liệu xây dựng
Ngay cả với xuất khẩu, thị trường các quốc gia ở châu Âu cũng yêu cầu phải có “dấu chân carbon” trên sản phẩm, yêu cầu trên nhãn hàng hóa phải có thông tin về giá trị phát thải CO2 trên 1 đơn vị sản phẩm (m², tấm…). Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam muốn vươn tới thị trường xuất khẩu cũng phải nhận thức được xu thế này để sớm thay đổi, thích ứng.
Theo Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như Nghị định hướng dẫn quy định rất rõ các đối tượng, phương tiện, thiết bị phải yêu cầu dán nhãn năng lượng. Quá trình này rất thành công trong những năm qua đối với các nhóm thiết bị máy móc công nghiệp, động cơ, phương tiện giao thông, đặc biệt là nhóm thiết bị gia dụng sử dụng điện cho các hộ gia đình thì việc sử dụng nhãn năng lượng rất phổ biến. Tuy nhiên, đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng việc dán nhãn năng lượng còn rất hạn chế. Chỉ có thể thấy một số sản phẩm về kính low e, kính tiết kiệm năng lượng được dán nhãn của nhà sản xuất, còn phần lớn các sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trên thị trường đều chưa được dán nhãn năng lượng.
Trong khi đó, việc sản xuất, phân phối, sử dụng sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng trong các công trình xây dựng chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng mức sử dụng năng lượng và giá trị sản xuất ngành Xây dựng. Và, nội dung Quyết định số 280 ngày 13/03/2019 đặt mục tiêu đến năm 2030, dán nhãn năng lượng cho 50% vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt sử dụng trong công trình.
Trong năm 2022, Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và dán nhãn vật liệu xây dựng xanh, nhãn năng lượng cho sản phẩm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc dán nhãn này vẫn ở dạng tự nguyện, chưa bắt buộc. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng không có yêu cầu dán nhãn năng lượng cho sản phẩm vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, để triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Việt Nam, trong đó có phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng, dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng thì việc sửa đổi quy định pháp lý, trong đó có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, góp phần hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.