Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa.
Hiện nay, việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với cơ cấu lại nền kinh tế là điều kiện tiên quyết hướng tới phát triển bền vững. Tại Đại hội XIII của Đảng nêu rõ yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Ngày 10/7/2024 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết 108), trong đó nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và thời gian tới như sau: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.
Vượt qua nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Dự báo cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp...
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng hiện nay mô hình tăng trưởng vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu.
Nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất một loạt giải pháp như: Đột phá về khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh và đi thông minh.
Đồng thời, cần đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain… tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Tiếp cận hệ sinh thái xanh hướng đến phát triển bền vững; Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh;…
Đề cập đến vấn đề đổi mới sáng tạo, GS. TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh rằng, đổi mới sáng tạo không chỉ dừng ở khu vực sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo phải đột phá từ cơ chế. Nếu cơ chế quản lý không thúc đẩy, không công nhận, bảo vệ về con người đổi mới sáng tạo thì khó có thể thành công trong đổi mới sáng tạo.