Thủ tướng chính thức phát lệnh khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm

(CL&CS)- Sáng 24/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khánh thành đồng loạt 4 dự án giao thông trọng điểm gồm: Dự án mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nhấn mạnh, 4 dự án có tổng số vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng, được tổ chức khánh thành cùng lúc bằng hình thức trực tuyến là dấu mốc lịch sử, bởi giao thông vận tải nói chung và đường cao tốc, bến cảng, sân bay mang lại hiệu quả; giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế-xã hội, du lịch phát triển đến đó, giảm chi phí logistics, tạo cạnh tranh cho Việt Nam, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại tiết kiệm thời gian công sức. 

Thủ tướng chính thức phát lệnh khánh thành 4 công trình giao thông trọng điểm

Trong 4 công trình khánh thành, có 3 công trình đường bộ cao tốc, giúp nâng tổng số đường cao tốc đưa vào khai thác tới thời điểm này lên gần 1.900km. Đang thi công gần 1.700km đường cao tốc khác, tiến tới hoàn thành mục tiêu năm 2025 có 3.000km cao tốc.

Thủ tướng đánh giá, quá trình thi công các công trình đều gặp không ít vướng mắc, như về pháp lý, nguồn vốn, khan hiếm vật liệu xây dựng, giá cả biến động, mặt bằng, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng dịch COVID-91…

Thủ tướng cũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của chủ đầu tư, công nhân nhà thầu, sự giúp đỡ của nhân dân nơi dự án đi qua, sự vào cuộc của địa phương cùng với tinh thần “vượt nắng thắng mưa, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ý chí kiên cường chiến thắng đại dịch, làm việc xuyêt đêm, xuyên Tết, 3 ca, 4 kíp”, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết đã lan tỏa, truyền cảm hứng và tin chắc những dự án tiếp theo có cơ sở nền tảng hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan, địa phương phối hợp làm tốt công tác khai thác có hiệu quả; thanh quyết toán dự án công khai, minh bạch, các trạm dừng nghỉ cần nghiên cứu làm và triển khai; lưu ý đến đời sống của nhân dân nhường đất cho dự án; duy tu, bảo dưỡng kiểm tra, bảo vệ môi trường…

Sân bay Điện Biên được mở rộng, đáp ứng khai thác máy bay A320/321 và tương đương

Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, trong đó vốn ACV thu xếp hơn 1.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí hơn 1.500 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng. Đường bay sân bay sau mở rộng đạt 2,4km, rộng 45m, có 4 vị trí đỗ máy bay, mở rộng nhà ga hành khách… cho phép khai thác thác loại máy bay A320/321 và tương đương, nhà ga phục vụ 500 nghìn khách/năm. Đây cũng là công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2024).

Hình ảnh cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ. 

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài hơn 40 km, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và địa phương. Giai đoạn 1 của tuyến cao tốc này có 4 làn xe, tốc độ khai thác 90km/h.

Cầu Mỹ Thuận, cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Ảnh VGP

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,61km nằm trên trục Cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, kết nối hai tuyến Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.

Dự án Cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và Cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành đưa vào khai thác có ý nghĩa quan trọng, làm giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay, dần hình thành một tuyến hành lang giao thông trục dọc Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ nói chung và các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ nói riêng.