Thủ tướng Chính phủ: Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, tạo động lực mới cho nền kinh tế

(CL&CS) - Sáng 6/1, phát biểu kết luận Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế …

Đảm bảo cân đối ngân sách

Sáng ngày 6/1, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2022.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-NSNN năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2022.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt  219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt  14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP (vượt mục tiêu 15,5%GDP). Thu NSTW ước đạt 106,7% dự toán; thu NSĐP ước đạt 128,2% dự toán.

Chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, NSNN đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).

Theo đó, cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo. Ước tính năm 2021, bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Đóng góp quan trọng của ngành Tài chính

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích thêm về những điểm chung so với mọi năm, điểm khác và điểm mới nổi bật của năm 2021.

Với bối cảnh “cái chung, cái khác và cái mới” của năm 2021, Thủ tướng cho rằng, đều liên quan đến việc thực hiện chính sách tài chính - NSNN của ngành Tài chính.

Theo Thủ tướng, năm 2021, các cân đối lớn được bảo đảm, thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy....

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao đóng góp quan trọng của ngành tài chính vào kết quả, thành tích chung của đất nước.

“Báo cáo của Bộ Tài chính và các ý kiến tham luận tại Hội nghị đã nêu rõ các kết quả, thành tích đạt được, đồng thời  thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, nhưng phải khẳng định thành tích là nhiều hơn.,,:- Thủ tướng đánh gía.

Thủ tướng lấy ví dụ: “Đêm hôm trước gọi điện cho đồng chí Bộ trưởng Tài chính, sáng hôm sau các đồng chí đã có tờ trình về Quỹ vaccine, tôi đánh giá rất cao việc này. Quỹ vaccine không chỉ giúp huy động nguồn lực cho phòng chống dịch mà còn có ý nghĩa rất quan trọng về củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc…”

Khuyến khích thu, phân bổ ngân sách công bằng

Năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình có thời cơ và thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, với những khó khăn nội tại kéo dài nhiều năm cần tiếp tục giải quyết và những điểm mới, điểm khác rất khó dự đoán. “Phải xác định như vậy để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, phù hợp…”- Thủ tướng lưu ý.

Liên quan đến công tác thu- chi ngân sách, Thủ tướng nhấn mạnh: “Phân bổ thu chi thế nào cho hợp lý, khen thưởng, kỷ luật thế nào để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách nào để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập...”. Thủ tướng lưu ý.

Thủ tưởng cũng đắc biệt lưu ý phải tránh tình trạng địa phương có thể thu nhiều hơn nhưng lại không muốn thu để tránh bị áp dự toán thu năm sau cao hơn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu, ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.

Cùng với đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “Trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng…” Thủ tướng lưu ý.

Ông cũng trăn trở: “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt…”- Thủ tướng nêu rõ.

 Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng bày tỏ nong muốn ngành Tài chính phải đi đầu tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp. “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn ngành Tài chính: “Nền tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. Chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Ngành Tài chính phải vì dân, vì nước…”- Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

TIN LIÊN QUAN