Dự án đường sắt đoạn Nhổn – Ga Hà Nội có tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng, được UBND thành phố Hà Nội khởi công vào tháng 09/2010, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.
Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến sẽ vận hành với tốc độ khai thác thương mại trung bình 35 km/h và có 8 đoàn tàu cùng hoạt động, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.
Sau khi kiểm tra thực địa, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành để nghe báo cáo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị nhà thầu thi công và Thành phố Hà Nội để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ xây dựng dự án
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, các nhà thầu, đơn vị tư vấn và Thành phố Hà Nội phát biểu, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ và đội vốn. Các ý kiến cho rằng, do dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam, trong khi các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm nên có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công; thực hiện các quy chuẩn, quy trình thi công; quy chuẩn thiết bị, quy trình vận hành, khai thác...
Ngoài ra, các gói thầu vừa phải tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ từ nhiều quốc gia; giá vật liệu, thiết bị, vật tư thay đổi...
Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cho dự án gặp nhiều khó khăn khi hầu hết mặt bằng thi công là trên các tuyến chính của thành phố có lưu lượng giao thông lớn; tổ chức thi công trong điều kiện mặt bằng chật hẹp...
Theo đó, về mặt tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31/12/2022; nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND thành phố Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu; đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã khảo sát, kiểm tra thi công các hạng mục công trình tại Nhà Ga S9 - Kim Mã; khảo sát Nhà Ga S8 - Cầu Giấy; kiểm tra đoàn tàu và đi tàu từ Ga S8 về Depot – điểm cuối của tuyến đường sắt.
Kiểm tra các hạng mục thi công Nhà ga S9 - Kim Mã dưới lòng đất, Thủ tướng Chính phủ tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc, nhất là những vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ dự án, cũng như nghe chủ đầu tư, nhà thầu đề xuất các giải pháp khắc phục.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ cố gắng có giải pháp tối ưu nhất; cùng với đó yêu cầu các nhà thầu phải tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" để đảm bảo tiến độ.
Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác trải nghiệm đi tàu điện đang trong giai đoạn thử nghiệm từ Ga Cầu Giấy qua 8 ga trên tuyến để tới Ga Nhổn
Thủ tướng yêu cầu tăng cường giao ban giữa các bên; nêu rõ, nguyên nhân chậm tiến độ là do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) - nhà thầu thì chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải đôn đốc, kiểm tra thường xuyên; thành phố Hà Nội cũng phải quan tâm dự án này.
Thủ tướng cho rằng, nhà thầu đã nhận trách nhiệm chậm trễ với thành phố Hà Nội, nhân dân Thủ đô thì phải huy động tối đa nhân lục, thiết bị, lên kế hoạch từng ngày, xác định mốc tiến độ để bảo đảm kịp, nếu chỉ cần 1 gói chậm thì sẽ ảnh hưởng đến các hạng mục khác, đặc biệt là gói thiết bị điện.
Các bên phải trao đổi lại vấn đề hợp đồng. Các gói thầu phải có hồ sơ, hợp lý mới được thẩm định, phê duyệt. Thủ tướng yêu cầu nêu các mốc tiến độ thì phải đi kèm với giải pháp; chậm 1 khâu thì ảnh hưởng các khâu khác. Do đó, các bên phải nỗ lục khắc phục để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.