Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số “Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc”

(CL&CS) - Chiều 30.11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban theo hình thức trực tuyến. 21 điểm cầu tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan Chính phủ và 63 điểm cầu tại các địa phương cùng tham dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới, song cũng là đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đất nước. Phiên họp đầu tiên ra mắt Ủy ban là bước triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về chuyển đổi số, với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS).

Tại Phiên họp này, Ủy ban bàn về việc tiếp tục nâng cao nhận thức, thống nhất hành động; đề ra kế hoạch, bước đi, phương pháp, nội dung để Ủy ban hoạt động một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Trước mắt là phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao vị thế vai trò, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Theo Bộ TTTT, từ năm 2018 đến nay, phát triển số, chuyển đổi số, quốc gia số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là những từ khóa quan trọng, thường xuyên được nhắc tới trong các văn bản chiến lược, kế hoạch hành động ở cấp cao nhất của nhiều quốc gia trên thế giới.

Cũng theo Bộ TTTT, Việt Nam là một trong những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc ban hành các văn bản về chủ trương, chiến lược quốc gia. Nhờ vậy, kết quả chỉ số xếp hạng “Sự trỗi dậy số” của các quốc gia năm 2021 do Trung tâm cạnh tranh số châu Âu thực hiện, đánh giá trong 3 năm (2018-2020) của 137 quốc gia, Việt Nam được xếp hạng nhất về tốc độ tiến bộ trong nhóm Đông Á và Thái Bình Dương.

Ủy ban đặt mục tiêu từ năm 2022 đến năm 2025 triển khai khoảng 53 chỉ tiêu hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Riêng trong năm 2022 có 18 chỉ tiêu cần ưu tiên thực hiện triển khai gồm: phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng thông rộng toàn dân; phổ cập danh tính số toàn dân; phổ cập an toàn thông tin mạng toàn dân; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phổ cập học trực tuyến; phổ cập chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa; phổ cập hóa đơn điện tử; thúc đẩy thương mại điện tử; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức...

Sau khi lắng nghe đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đóng góp ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận, chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, nội dung về chuyển đổi số đã được đưa vào các nghị quyết của Đảng, Chính phủ và đã được Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm: CĐS là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Xếp hạng về Chính phủ điện tử còn thấp; môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử, Chính phủ số còn chưa hoàn thiện; nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số chưa đủ sâu; chưa biến nhận thức thành quyết tâm chính trị, hành động cụ thể; việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành còn chậm tiến độ; công tác đào tạo, phát triển nhân lực nhiều nơi chưa được chú trọng…

Về Chính phủ số, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, xã hội; đẩy mạnh triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, thúc đẩy chia sẻ, kết nối giữa các hệ thống; đổi mới phương thức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nội khối hành chính các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt hoạt động của cơ quan nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành.

Các bộ, ngành, địa phương sớm triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số quốc gia cho giai đoạn mới, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số nhanh, bền vững, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm. Nhanh chóng chuyển đổi số tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tích cực hoàn thiện cơ sở dữ liệu; đầu tư, quan tâm, thúc đẩy triển khai chương trình phát triển công dân số; tích cực hợp tác giữa các địa phương tránh tình trạng cục bộ, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết".

Về kế hoạch chuyển đổi số quốc gia năm 2022, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ để tạo bước đột phá, dẫn dắt, lan toả, thúc đẩy chuyển đổi số toàn quốc trong giai đoạn mới. Thủ tướng nhất trí về mặt chủ trương với 18 chỉ tiêu và một số chính sách thúc đẩy chuyển đổi số theo báo cáo của Bộ TTTT. Đề nghị Bộ TTTT sớm hoàn thiện Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu rõ ràng, hoạt động thực chất, hiệu quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường vai trò của Tổ công tác giúp việc Ủy ban, đồng thời bảo đảm nguyên tắc Ủy ban không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, Bộ TTTT hoàn thiện, lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban ký ban hành.

TIN LIÊN QUAN