Để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững và đạt được các mục tiêu lớn vào năm 2030 và 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp nhà nước phải thực sự tiên phong trong 6 lĩnh vực.
Thứ nhất, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, tiên phong trong đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn.
Thứ ba, tiên phong trong bứt phá tăng trưởng, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho tăng trưởng, phát triển đất nước nhanh, bao trùm, bền vững.
Thứ tư, tiên phong trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, trong đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Thứ năm, tiên phong tích cực tham gia thực hiện chính sách xã hội và an sinh xã hội, bảo đảm công bằng, tiến bộ, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, nhất là trong chương trình nhà ở xã hội và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước.
Thứ sáu, tiên phong tạo hàng hóa, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia, vị thế đất nước trong tham gia dẫn dắt các cuộc chơi toàn cầu.
Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo, Bộ Tài chính hoàn thành việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các doanh nghiệp, ngân hàng Nhà nước trước ngày 15/3. Ngoài nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, các doanh nghiệp, ngân hàng chủ động để xuất các chính sách, công cụ cần thiết (như liên quan tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu, vay tín dụng…) để thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Cũng tại Hội nghị, các doanh nghiệp cũng đưa ra kiến nghị như liên quan việc sửa đổi, thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), chính sách tiền lương, công tác cán bộ, Thủ tướng nêu rõ tinh thần sửa đổi, bổ sung các quy định là xem xét, đánh giá hiệu quả tổng thể của doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro; giao mục tiêu, không cầm tay chỉ việc.
Về kiến nghị liên quan nguồn vốn cho các doanh nghiệp, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, đề xuất chính sách chung, các bộ, ngành cùng làm với doanh nghiệp; tinh thần là cái gì có lợi chung thì phải làm, lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân.
Thủ tướng cũng đồng tình với đề xuất về tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, tuyển dụng và sử dụng nhân tài tại các DNNN với cách tiếp cận, tư duy, phương pháp luận mới.
Thủ tướng khẳng định tinh thần tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị để hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hạ tầng, cùng quản trị thông minh, tháo gỡ cơ chế về con người, cán bộ… cho các doanh nghiệp.