Theo quy định tại khoản 7 và khoản 9 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy là việc xác nhận và công bố đối tượng (Sản phẩm, hàng hoá; Dịch vụ;…) phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng.
Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 nêu rõ, những sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2) phải được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Theo Thông tư 36/2019/TT-BLĐTBXH về Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, thang máy được xếp ở vị trí thứ 21 và thuộc nhóm đối tượng bắt buộc phải được chứng nhận và công bố hợp quy trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường.
Theo quy định tại Thông tư 42/2019/TT-BLĐTBXH về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy (QCVN 02:2019/BLĐTBXH), yêu cầu đối với thang máy sản xuất trong nước, nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn này bởi tổ chức chứng nhận được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ định hoặc thừa nhận.
Ảnh minh hoạ
Đồng thời, phải công bố hợp quy theo quy định và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nội dung chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy. Các bộ phận an toàn của thang máy, gồm có: Thiết bị khóa cửa cửa tầng và khóa cửa cabin (nếu có); Bộ hãm an toàn; Hệ thống phanh của dẫn động; Bộ khống chế vượt tốc; Bộ giảm chấn; Van ngắt/van một chiều.
Việc đánh giá chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy phải bao gồm các nội dung sau: Kiểm tra về các hồ sơ thiết kế, lý lịch thang máy. Thực hiện kiểm tra/thử nghiệm các bộ phận/thiết bị an toàn của thang máy. Trên giấy chứng nhận hợp quy phải thể hiện các thông tin về thang máy, bao gồm: Mã hiệu; Số chế tạo; Nhà chế tạo; Xuất xứ; Năm sản xuất; Đặc trưng kỹ thuật (Loại thang, tải trọng, vận tốc định mức, số điểm dừng, số lượng người cho phép trong thang máy).
Kết luận về sự phù hợp thiết kế của thiết kế thang máy hoặc các bộ phận an toàn của thang máy phù hợp với yêu cầu quy định tại quy chuẩn này. Trong quá trình sử dụng, tổ chức, cá nhân quản lý thang máy phải lưu giữ Giấy chứng nhận hợp quy của thang máy.
Phương thức chứng nhận hợp quy cho thang máy
Tại Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN, có 8 phương thức để chứng nhận hợp quy. Việc đánh giá sự phù hợp sẽ được thực hiện theo một trong các phương thức:
– Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình;
– Phương thức 2: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường;
– Phương thức 3: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 4: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất và trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất;
– Phương thức 6: Đánh giá và giám sát hệ thống quản lý;
– Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa;
– Phương thức 8: Thử nghiệm hoặc kiểm định toàn bộ sản phẩm, hàng hóa.
Phương thức chứng nhận hợp quy đối với thang máy và các bộ phận an toàn của thang máy áp dụng theo phương thức 5, phương thức 7 hoặc phương thức 8.