Chống Covid-19 và thông điệp mạnh mẽ về tăng trưởng xanh
Trong một cuộc hội thảo gần đây về phát triển bền vững, một vị chuyên gia cao cấp đầy trăn trở nói rằng: “Cả thế giới không chỉ lo chống đại dịch Covid-19 mà còn đang lo về biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tác động của biến đổi khí hậu lớn hơn đại dịch Covid-19 rất nhiều”.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng bên cạnh việc dồn sức chống dịch và phục hồi kinh tế phải truyền đi thông điệp mạnh mẽ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Tính đến năm 2020 Việt Nam có gần 13.000 tiêu chuẩn quốc gia trong đó có 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã bao phủ gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế – xã hội.
Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến cuối thế kỷ 21, sự gia tăng 1m của mực nước biển có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của khoảng 20% dân số và tổn thất có thể lên tới 10% GDP mỗi năm.
Tăng trường xanh giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, bắt kịp, tiến cùng, vượt lên, hướng tới khát vọng thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Ngày 1/10/2021 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
"Chiến lược tăng trưởng xanh là nền tảng cho tương lai đất nước hướng tới các mốc quan trọng vào năm 2030, năm 2045 và những năm tiếp theo, tạo ra cơ hội lớn để chúng ta có thể tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Với kinh nghiệm từ quốc tế, TS. Michael Krakowski - Cố vấn trưởng - Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh GIZ Việt Nam nói rằng Nếu không thu hút được đầu tư tư nhân thì chiến lược tăng trưởng xanh sẽ không thành công. Vì thế để Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thì cần có sự vào cuộc của đầu tư tư nhân.
Nhưng đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam chưa như kỳ vọng. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đầu tư tư nhân chiếm 94,8% trong lĩnh vực năng lượng, 95,8% trong lĩnh vực môi trường, 98,4% trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, 94% trong lĩnh vực xử lý nước thải và 96,7% trong lĩnh vực xử lý nước thải và môi trường.
“Tuy đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng lớn trong các lĩnh vực năng lượng, môi trường… nhưng về quy mô đầu tư thì rất khiêm tốn”, ông Hồ Công Hòa, phó trưởng ban - Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM cho biết.
Có tới 1.477 doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và môi trường, chiếm tới 96,73%, nhưng chỉ chiếm 41,0% tông vốn đầu tư.
Nghiên cứu của CIEM cũng cho biết doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng gặp nhiều khó khăn. Không chỉ khó khăn về tài chính mà còn khó khăn về chính sách.
Khó khăn còn do một số chỉ tiêu định hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, trùng lặp và hiệu quả chưa cao.
Thủ tục, công tác thẩm định, đàm phán và việc vận dụng các chính sách ưu đãi liên quan cho các dự án cũng gặp không ít khó khăn, mất nhiều thời gian hơn, thậm chí mất nhiều năm…
Tiêu chuẩn tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Trong bối cảnh Covid-19 vấn khó lường, tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt, các chuyên gia nhấn mạnh “tăng trưởng xanh góp phần phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
TS.Võ Trí Thành – nguyên phó viện trưởng của CIEM, dù trong ngắn hạn hay dài hạn muốn phát triển bền vững thì bên cạnh tăng trưởng nhanh thì phải tăng trưởng xanh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh được tiến hành xây dựng trên cơ sở tham vấn sâu rộng các bên liên quan theo hình thức phù hợp với quy định phòng chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.
Theo CIEM, để thu hút mọi nguồn lực đầu tư tư nhân tham gia đầu tư cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, cần thực hiện đồng bộ 08 giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện hiệu quả trong thực hiện chính sách.
Trong đó cần xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách để vừa bắt buộc vừa khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh. Ban hành các cơ chế thí điểm triển khai các dự án PPP, như thu gom và xử lý chất thải, cấp nước sạch,…
Chế tài cũng là một công cụ hữu hiệu. CIEM đề nghị nâng cao trách nhiệm bằng giải pháp buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền, nâng mức phí bảo vệ môi trường nước thải (10% giá nước sạch), thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng…
Và một yếu tố quan trọng, đó là áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn áp dụng và xây dựng hệ thống các tiểu chuẩn về tăng trưởng xanh. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, đặc biệt là những tiêu chuẩn “xanh”, các doanh nghiệp có thể chủ động tham gia bảo vệ môi trường, đồng thời tối ưu hóa khả năng sản xuất, kinh doanh thông qua tiết kiệm nguyên – nhiên vật liệu, sử dụng nguyên vật liệu tái tạo, giảm khí nhà kính.
Các chuyên gia đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Đo lường Chất lượng và các cơ quan liên quan, tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường, tiêu chuẩn xanh. Bên cạnh đó cần tiếp tục xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa các chất làm suy giảm tầng ozone.
Đồng thời cần có quy định thêm các các nguyên liệu, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; các công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học…
Việc tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường bởi tiêu chuẩn “xanh” giúp cho các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua rào cản mới của nước ngoài, tạo nên lợi thế cho hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).