Hiệp hội Thương mại Điện tử (VECOM) công bố báo cáo ngày 24/8 cho thấy, kết quả khảo sát tình hình đào tạo TMĐT tại 132 trường Đại học trong cả nước năm 2022 nhu cầu nhân lực của ngành TMĐT rất lớn, xu hướng các trường Đại học đào tạo ngành tăng nhanh.
Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 đã đặt ra 2 mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực.
Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo TMĐT; Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt DN, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khoá đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT.
Cụ thể, nội dung các học phần được các trường Đại học đào tạo chủ yếu về Marketing số, thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến, chuỗi cung ứng logisics… trong số 132 trường được khảo sát, đã có 36 trường đào tạo Thương mại điện tử (TMĐT) trình độ Đại học, 36 trường đào tạo chuyên ngành TMĐT và 53 trường đào tạo môn TMĐT.
Các trường đã chủ động trong việc đào tạo, khả năng đáp ứng của các trường Đại học đã đáp ứng được một phần nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này.
Trước thách thức lớn nhất của vấn đề đào tạo TMĐT tại các trường Đại học hiện nay chính là đội ngũ giảng viên “vừa thiếu, vừa yếu".
Nguyên nhân của điều này rất dễ lý giải bởi do tốc độ phát triển của ngành TMĐT quá nhanh, dẫn tới quy mô và quy trình đào tạo cũng phải bắt kịp để đáp ứng yêu cầu. Giảng viên chỉ đủ đáp ứng quy định ở mức tối thiểu, có nhiều trường còn chưa đủ giáo viên, hoặc đủ nhưng so với nhu cầu đào tạo vẫn chưa đáp ứng được.
Báo cáo Chỉ số TMĐT năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu DN vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của TMĐT nước ta trong giai đoạn tới. Kênh chủ yếu để đào tạo nguồn nhân lực TMĐT chuyên nghiệp, chất lượng cao chính là các trường Đại học.
Các chuyên gia cho rằng, để làm nhanh và tốt việc này cần thiết thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo TMĐT để bồi dưỡng giảng viên, chia sẻ phương pháp giảng dạy, nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu TMĐT tử; đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành; kết nối doanh nghiệp.
Căn cứ vào kết quả khảo sát, kiến nghị của các trường, tình hình hiện tại và xu hướng phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới năm 2025 và trung hạn tới năm 2030, VECOM đề xuất cần triển khai ngay 10 hoạt động: Khảo sát định kỳ tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Xây dựng Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử; Bồi dưỡng giảng viên thương mại điện tử; Tổ chức định kỳ các hội thảo khoa học về đào tạo thương mại điện tử.
Đào tạo và cấp chứng nhận một số học phần thương mại điện tử; Tiếp tục thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ sinh viên thương mại điện tử; Tổ chức cuộc thi toàn quốc về thương mại điện tử; Nhanh chóng nâng cao chất lượng học liệu thương mại điện tử; Đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, phổ biến tuyên truyền về ngành thương mại điện tử; Chú trọng hơn tới kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử.