Thị trường đồ dùng học tập: Sức mua tăng cao, hàng Việt chiếm lĩnh thị phần

(CL&CS)- Năm học mới sắp đến, năm nay thị trường đồ dùng học tập sôi động sau 2 năm ảnh hưởng do dịch bệnh. Hàng Việt chiếm lĩnh thị phần với những sản phẩm chất lượng cao.

Năm học mới 2022 – 2023 đã cận kề, theo khảo sát của Pv, thị trường đồ dùng học tập năm nay khá đa dạng về mẫu mã, sức mua tăng. Người tiêu dùng hài lòng với chất lượng sản phẩm, giá cả phù hợp với túi tiền. Trong khi những năm trước, thị trường đồ dùng học tập ảm đạm bởi ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 tới chuỗi cung ứng hàng hoá; các mặt hàng này giảm mạnh thị phần do học sinh học tập trực tuyến.

Các mặt hàng văn phòng phẩm tại các cửa hiệu đa dạng về mẫu mã, màu sắc bắt mắt, chất lượng ngày càng được chú trọng.

Tại các nhà sách, các cửa hàng chuyên văn phòng phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, sức mua các mặt hàng này bắt đầu tăng, đặc biệt là sách giáo khoa và cặp sách. Bên cạnh đó, những vật dụng cần thiết như: bút, thước, compa, eke, mô hình học tập… cũng thu hút đông đảo đối tượng người mua là phụ huynh, học sinh.

Tại một nhà sách trên đường Giảng Võ (Đống Đa, Hà Nội) hoạt động mua sắm tại đây khá sôi động; theo ghi nhận khoảng khung giờ từ 16h chiều đến 21h tối là thời gian cửa hàng này hoạt động hết công suất phục vụ đông đảo khách hàng đến tham quan và mua sắm; thu hút nhiều em nhỏ trong độ tuổi đến trường, các bậc phụ huynh và sinh viên trên địa bàn thành phố nhằm chuẩn bị cho năm học mới đã cận kề.

Tại đây, các sản phẩm sản xuất trong nước, có thương hiệu như: Thiên Long, Hải Tiến, Hồng Hà, Bến Nghé, Kim Long,…, chiếm số lượng nhiều, được đại đa số khách hàng tin dùng lựa chọn vì uy tín lâu năm.

Anh Nguyễn Mạnh Cường (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Văn hoá Hà Nội) đang làm việc partime tại nhà sách này cho hay: Hai năm trước ảnh hưởng của dịch bênh nên nhà sách cũng gặp khó khăn. Nhất là năm 2021 giãn cách xã hội, lượng khách mua hàng chủ yếu qua kênh online. Tuy nhiên, năm nay lượng khách đã gia tăng trở lại. Những ngày gần đây, khách hàng ngày một đông và chủ yếu lựa chọn các sản phẩm sản xuất trong nước.

Năm nay, riêng đối với mặt hàng máy tính cao cấp, sản phẩm “độc lạ” đi kèm giá thành cao - dao động từ 6,8 triệu đồng cho mẫu Casio FX-9860GIII đến gần 8 triệu đồng đối với loại máy TEXAS INSTRUMENTS TI-NSPIRE CX từ Mỹ cũng được nhà sách này nhập về bán. Theo anh Cường, chức năng của các loại máy tính bỏ túi cao cấp này có thể vừa kết hợp soạn thảo văn bản, hiển thị đồ thị, định lượng, biểu đồ toán học và đặc biệt có khả năng kết nối mạng internet nhanh chóng, đa dạng ở mẫu mã.

“Đây có lẽ là một trong những sản phẩm ít ỏi không phải sản xuất ở Việt Nam được người tiêu dùng quan tâm”, anh Cường nói.

Chị Bùi Hằng - chủ cửa hiệu đồ dùng học tập trên đường Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội cho biết, năm ngoái do giãn cách xã hội nên lượng hàng hóa bán được ít. Sách giáo khoa tồn khá nhiều. Năm nay dịch bệnh được kiểm soát, các sản phẩm tồn đều được bán hết và chị đã chủ động nhập lô mới về bán.

Để kích cầu, tại cửa hàng này đã có chương trình giảm giá từ 10 – 15% các mặt hàng là sách giáo khoa, từ 20% đối với các loại vở viết, giảm 25% cho dụng cụ học tập như: bút, thước,…, bao gồm cả cặp sách.

Không gian tại các cửa hàng văn phòng phẩm khá nhộn nhịp.

Tại nhiều cửa hiệu văn phòng phẩm khác trên địa bàn, các mặt hàng đồ dùng học tập được sản xuất trong nước cũng chiếm ưu thế đáng kể. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ: “Kinh tế hậu đại dịch Covid19 đã phản ánh rõ điều mà ai cũng thấy, đó là giá cả hàng hoá tăng mạnh, sức ép tới các doanh nghiệp sản xuất trong nước lớn, các mặt hàng nhập khẩu giá cả đắt đỏ. Khi đó, người dân phải sáng suốt lựa chọn hàng hoá, nhằm cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm, phải đẩy mạnh sản xuất hàng hoá trong nước, ưu tiên người Việt dùng hàng Việt.”

Trong tâm thế háo hức mua sắm đồ dùng học tập cho con nhỏ sắp bước vào lớp “vỡ lòng”, chị Nguyễn Thị Liên (Đống Đa, Hà Nội) xếp hàng vào cửa hàng sách từ rất sớm để mua bộ sách giáo khoa mới kèm một vài vật dụng học tập cho con. Chị cho rằng, nếu không kịp thời đặt hàng và mua từ trước thì sợ đến thời điểm nhập học, các mặt hàng này sẽ “cháy hàng”, nỗi lo phải mua giá quá cao, cộng thêm chi phí khiến chị e ngại. Thậm chí, chị còn sợ không còn bộ sách nào để mua vì nhà sản xuất không kịp cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của vị phụ huynh này, bố mẹ khi mua đồ dùng học tập cho con nên cân nhắc lựa chọn các sản phẩm phù hợp với sở thích, độ tuổi và giới tính của trẻ, đảm bảo độ an toàn trong khi sử dụng theo tiêu chuẩn.

TIN LIÊN QUAN