Thị trường chứng khoán tiếp tục đỏ lửa, 169 cổ phiếu giảm sàn

(CL&CS) - Đây là lần đầu tiên, chỉ số VN-Index mất mốc đường trung bình 200 ngày (MA200) kể từ 25/8/2020. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn và cổ phiếu rác tiếp tục rơi tự do.

Nhà đầu tư đang thất vọng khi nhiều cổ phiếu giảm 20-30% chỉ trong vòng một tuần.

Đóng cửa ngày 19/4/2022, chỉ số VN-Index giảm 1,83%, tương đương 26,15 điểm còn 1.406,45 điểm. Chỉ số HNX-Index tiếp tục có mức giảm sâu hơn với mức giảm 2,59%, tương đương 10,42 điểm còn 392,69 điểm. Điều này, thể hiện cổ phiếu vốn hóa nhỏ có tốc độ giảm điểm nhanh hơn so vốn hóa lớn.

Thị trường giảm điểm mạnh từ 14h trở đi khi áp lực call margin trên diện rộng, nhiều cổ phiếu bị áp lực bán tháo bằng loạt lệnh thị trường (MP) hay ATO khiến vốn hóa bay hơi 103.000 tỷ đồng. Nếu tính từ 4/4 đến nay, VN-Index rớt 118 điểm, vốn hóa bốc hơi 443.000 tỷ đồng, tương đương 19,2 tỷ USD.

Toàn thị trường có 169 cổ phiếu giảm sàn, tập trung chủ yếu ở sàn HOSE với 98 mã, sàn HNX với 52 mã và thị trường UPCoM với 19 mã. Các cổ phiếu giảm sàn tiếp tục gọi tên nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, hay cổ phiếu rác họ FLC, họ Louis, họ DNP, họ FIT, họ Apec…

Thanh khoản duy trì ở mức thấp với 831 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá 25.636 tỷ đồng. Thị trường thiếu vắng những cổ phiếu có giá trị giao dịch vượt ngàn tỷ đồng.

Ngày 19/4, thanh khoản cao nhất thuộc về VPB (24 triệu cổ phiếu), HPG (19 triệu cổ phiếu), GEX (17 triệu cổ phiếu), STB, VND, HAG đều trên 15 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn gồm: FPT (969 tỷ đồng), VPB (883 tỷ đồng), HPG (837 tỷ đồng), DPM (709 tỷ đồng), MWG (657 tỷ đồng).

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index giảm 6,1% nhưng nhiều cổ phiếu giảm sâu, đặc biệt là họ FLC như: ROS giảm 68,1%; ART giảm 66,3%; FLC giảm 60,3%; HAI giảm 51,2%; AMD giảm 49,9%; KLF giảm 49,9%.

Các cổ phiếu đại diện của ngành chứng khoán cũng giá khá sâu như: HCM giảm 41,5%; TCI giảm 41,5%; TVB giảm 40,8%; VCI giảm 38,2%; SHS giảm 37,2%; SSI giảm 32,4%; MBS giảm 25,2%...

Một số cổ phiếu trong top 10 thị trường về vốn hóa như VIC giảm 17,1%; VHM giảm 16%; VNM giảm 10,6%; NVL giảm 9,9%; TCB giảm 12,6%... Điều này chứng tỏ đa số nhà đầu tư đang chịu cảnh thua lỗ và dần rút tiền ra khỏi thị trường để tìm kiếm những kênh đầu tư khác có tỷ suất sinh lời cao hơn hoặc gửi tiết kiệm cho an toàn.

TIN LIÊN QUAN