Trong phiên giao dịch ngày 18/4, chỉ số VN-Index giảm 1,78% (tương đương 25,96 điểm) xuống còn 1.432,6 điểm. Có nhiều thời điểm, VN-Index giảm sát đường trung bình 200 ngày (MA200) đang có giá trị 1.423,28 điểm.
Chỉ số HNX-Index giảm mạnh hơn VN-Index với mức giảm 3,26% (tương đương 13,6 điểm) xuống còn 403,12 điểm. Điều này chứng tỏ các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang có mức giảm mạnh hơn các cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip). Tính từ đầu năm đến nay, HNX-Index giảm 15%, VN-Index giảm 4,4% - tương đương mức giảm VN30.
Toàn thị trường có 149 mã giảm sàn, tập trung chủ yếu tại HOSE với 87 mã, HNX với 49 mã và UPCoM với 13 mã. Trong các mã giảm sàn gọi tên nhiều dòng cổ phiếu đầu cơ như họ FLC (AMD, FLC, HAI, ROS, KLF, ART), họ Louis (TGG, BII, SMT, VKC, LDP, AGM), họ Apec (IDJ, API, APS), họ FIT (FIT, TSC), họ Bamboo (BCG, TCD), họ DNP (HUT, JVC, NVT). Bên cạnh là những cổ phiếu ngành xây dựng (HBC, CTD, VCG, FCN, HHV)…
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành bất động sản (LDG, TCH, KHG, CKG, DRH, NBB, VPH, HAR…), chứng khoán (AGR, APG, APS, ART, BSI, CTS, EVS, FTS, HBS, ORS, TVB, VCI, VIG, VIX, WSS) cũng đồng loạt nằm sàn.
Toàn thị trường có 827 cổ phiếu giảm giá và 242 cổ phiếu tăng giá. Các dòng cổ phiếu tăng giá tập trung chủ yếu ở thủy sản, dệt may, bán lẻ…
Như vậy, sau sự kiện ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng bị bắt, dòng tiền đã rút ra khỏi các cổ phiếu mang tính chất đầu cơ, ngân hàng, bất động sản, chứng khoán… và dịch chuyển sang dòng thủy sản, dệt may… Việc liên tục giảm điểm khiến hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ, chán nản, ít nhiều dòng tiền cũng rút ra khỏi thị trường qua việc thanh khoản liên tục giảm xuống nên việc kiếm lời trên thị trường chứng khoán đối với đa số nhà đầu tư trong năm nay là rất khó khăn.