Hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) luôn là xu hướng phát triển của thị trường bất động sản và hoạt động này cũng chiếm một vị trí đáng kể trong thị trường M&A nói chung. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, việc siết chặt giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, hậu COVID-19 nhu cầu phát triển sẽ thúc đẩy hoạt động M&A diễn ra mạnh mẽ. Đây là mục tiêu để các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư kinh doanh, bao gồm M&A dự án và cả hoạt động sáp nhập công ty để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Có thể thấy, ngay trong tâm dịch, các chủ đầu tư vẫn rất tích cực săn tìm dự án với mục tiêu mở rộng quỹ đất. Và ngay từ quý 1/2022, thị trường bất động sản đã chứng kiến những thương vụ M&A dự án có quy mô lớn.
Mới đây, Tập đoàn Novaland chính thức trở thành nhà phát triển dự án Grand Sentosa tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Trước đây, dự án này có tên là Kenton Residences do Công ty Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án này từng được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ 4.000 tỷ đồng của CTCP Phát triển Tài Nguyên và nhiều lần bị BIDV đưa ra đấu giá để thu hồi nợ.
Tháng 1/2022, dự án The Global City tọa lạc tại phường An Phú, TP. Thủ Đức (TP.HCM), trước đây có tên gọi là Sài Gòn Bình An, cũng đã về tay Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Group). The Global City trước đây của Công ty HimLam, sau đó được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại và nay về tay Masterise Homes. Dự án này có quy mô 117,4 ha, bao gồm các cấu phần cao tầng, thấp tầng, villa, nhà ở xã hội, tiện ích y tế và hành chính, một trung tâm thương mại hạng A diện tích 125.000 m2 và các tiện ích khác để tạo ra một khu đô thị phức hợp.
Một dự án khác là SwanBay trên đảo Đại Phước, Đồng Nai cũng có thông tin đổi chủ khi 2 cổ đông nước ngoài đóng góp 92% cổ phần đã không còn tên trong danh sách cổ đông của CTCP Vina Đại Phước (chủ đầu tư dự án này). Một số thông tin cho rằng dự án sẽ về tay một doanh nghiệp bất động sản trong nước và hiện các bên đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng.
Trước đó, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (Tập đoàn An Gia) lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của CTCP Năm Bảy Bảy. Dự kiến, An Gia sẽ đưa ra thị trường 7.000 - 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022.
CTCP Phát triển Thành phố Xanh (công ty con của Vinhomes) cũng đã chuyển nhượng xong 2 lô đất có diện tích hơn 7 ha thuộc một phần dự án Vinhomes Grand Park tại TP. Thủ Đức cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes.
Tương tự, CTCP địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại CTCP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico sở hữu quỹ đất 130 ha tại Long An) thông qua công ty thành viên Công ty May Tiến Phát mua 11% vốn của Long An Idico. Không những vậy, TTC Land còn hợp tác với Tổng Công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160 ha.
Còn tại Bình Dương, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã hoàn tất mua 99,5% cổ phần của CTCP Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương bằng việc bổ sung danh sách dự án đầu tư chung cư Bình Dương Tower, quy mô hơn 4,5 ha tại TP. Thuận An, Bình Dương…
Theo ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, dự báo trong năm 2022, thị trường bất động sản nhiều khả năng sẽ tiếp tục sôi động với nhiều thương vụ M&A. Các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hùng mạnh sẽ rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế hơn. Ngoài ra, đại dịch cũng đã khiến không ít doanh nghiệp chịu nhiều tổn thất, không còn đủ năng lực để phát triển các dự án dang dở và đành phải bán lại cho những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn.
Nói về vai trò của doanh nghiệp nội trước làn sóng bùng nổ hoạt động M&A trong thời gian tới, ông David Jackson cho biết, hiện các tập đoàn bất động sản trong nước đang có được đà phát triển rất tốt. Với uy tín sẵn có, kinh nghiệm phát triển dự án và bán hàng hiệu quả, họ đang săn tìm quỹ đất cũng như các dự án dang dở để có thể nhanh chóng tiến hành các dự án mới hoặc tiếp tục các dự án chưa hoàn thành.
Tổng giám đốc Colliers Việt Nam dự báo các dự án phát triển căn hộ ở những khu vực xung quanh các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay dự án tại các thành phố đang có đà phát triển năng động sẽ thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu ở thực của người dân vẫn rất lớn trong khi nguồn cung đang khan hiếm, nhất là ở phân khúc căn hộ vừa túi tiền.
Theo ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Việt Nam, trong thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ M&A lớn được kích hoạt. Có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này nhưng tự chung lại là nhu cầu phát triển đầu tư của doanh nghiệp sau dịch bệnh. Bên cạnh đó, quy hoạch và quỹ đất không dồi dào trong thời gian qua khiến nhiều chủ đầu tư dù lớn hay vừa đều sẽ phải gia tăng M&A để tạo quỹ đất. Đối với các doanh nghiệp có quỹ đất nhưng thương hiệu hoặc năng lực phát triển dự án còn hạn chế, sẽ phải tìm các đối tác để cùng phát triển.
Đặc biệt, một số chủ đầu tư lớn thuộc Top đầu đang đi theo con đường tạo ra hệ sinh thái với bất động sản làm ngành trung tâm và M&A là con đường nhanh nhất để mở rộng ngành nghề hoạt động kinh doanh.