Cụ thể, 77,2 ngàn tỷ đồng ở kỳ hạn 7 ngày được phát hành trên kênh mua kỳ hạn với lãi suất 6%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục việc mua bổ sung dự trữ ngoại hối - tương đương với cấp thanh khoản tiền Đồng cho thị trường, khi nghiệp vụ trung hòa thông qua kênh tín phiếu được thực hiện không nhiều.
Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 49,5 ngàn tỷ đồng, khối lượng lưu hành tăng trên kênh mua kỳ hạn, lên 102 ngàn tỷ đồng trong khi đó kênh tín phiếu giảm mạnh xuống chỉ còn 15 ngàn tỷ đồng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì quanh vùng 6%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần - 1 tháng giảm nhiệt về 6,5-8,2% (giảm 20-40 điểm cơ bản).
Do tính chất giao dịch trên thị trường 2, khối lượng giao dịch liên ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơn thường không có thanh khoản và do vậy biến động lãi suất kỳ hạn này thường không mang nhiều ý nghĩa. Đối với lãi suất thị trường, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) quan sát thấy mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đó có điều chỉnh giảm tại một số ngân hàng trong thời gian qua, mặc dù mức độ giảm không đáng kể, chỉ 50 điểm cơ bản. Hiện tại, lãi suất huy động trong khoảng 8 - 9,5% đối với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi - vẫn ở mức trung bình khoảng 12 - 16%/năm.
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 26 về việc tính tỷ lệ đảm bảo an toàn (tỷ lệ LDR), trong đó thay đổi đáng chú ý nhất đến từ lộ trình nới lỏng hơn trong việc tính tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Khác với dự thảo trước đó, Thông tư 26 này có thể được nhìn nhận là một cách hỗ trợ thanh khoản thị trường về trung và dài hạn, khi không loại bỏ lượng tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng ra khỏi công thức tính. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã công bố định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14 - 15% và có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.