Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm có khởi sắc

(CL&CS) - Tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2020 đang có sự khởi sắc, mở ra hy vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Các ngành đang phục hồi

Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đây cũng là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Ðiểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý 3/2020 thể hiện ở ngành nông nghiệp có một số sản phẩm tăng trưởng cao nhờ chuyển dịch cơ cấu sản phẩm tốt.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 5 năm gần đây nhưng vẫn đóng góp 1,02 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 tháng. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng của người dân tăng trở lại.

Một số lĩnh vực như sản phẩm điện tử, thiết bị y tế và thuốc vẫn có sự tăng trưởng khả quan.

Ngành công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm.

TCTK cũng cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 202,86 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế xuất khẩu đạt 71,83 tỉ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu. 

Tính riêng quý 3, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,07 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý 3 đạt 68,54 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất siêu 16,99 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỉ USD, khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất siêu 27,51 tỉ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019, riêng trong tháng 9, CPI tăng 0,12%.

Tạo động lực cho doanh nghiêp phát triển

TCTK cho biết, trong tháng 9, cả nước có 10.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 23,1% về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký là 203.300 tỉ đồng, giảm 29,6%, số lao động đăng ký là 83.000, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 9 tháng cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.428.500 tỉ đồng, tổng số lao động đăng ký 777.900, giảm 3,2% về số doanh nghiệp, tăng 10,7% về vốn đăng ký, giảm 16,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 14,4 tỉ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

TCTK kiến nghị Chính phủ tiếp tục đưa ra gói hỗ trợ đủ lớn và hiệu quả để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp. Bởi đây là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP (khoảng 60%).

Kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hạn chế nhập khẩu phù hợp với tình hình sản xuất, cung cầu trong nước như khuyến khích nhập khẩu máy móc thiết bị mở rộng sản xuất, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, nhóm hàng hóa trong nước có đủ năng lực sản xuất.

Chính phủ và doanh nghiệp nghiên cứu các giải pháp về thể chế, nguồn nhân lực, quy trình, công nghệ sản xuất và chiến lược kinh doanh để tận dụng và hòa nhập được với các quy định của Hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

                                                                                                                                           

TIN LIÊN QUAN