Hiện nay chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng phức tạp, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, trên thị trường vẫn tồn tại các hàng hóa không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, không bảo đảm việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định… Do đó, cần tăng cường công tác khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Trước thực trạng trên, trong giai đoạn 2022-2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang chủ trì tổ chức và tham gia nhiều cuộc kiểm tra, khảo sát về tiêu chuẩn, chất lượng và nhãn hàng hóa đối với hàng hóa thực phẩm trên thị trường tỉnh An Giang. Qua khảo sát cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) thực phẩm chưa đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa và mã số, mã vạch.
Tăng cường tuyên truyền về tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa cho cơ sở SXKD
Trước tình hình đó, Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng, nhãn hàng hóa và mã số, mã vạch. Qua đó, cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức của các cán bộ quản lý và tổ chức, cá nhân SXKD thực phẩm trên địa bàn.
Ông Hứa Hoàng Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng An Giang cho biết, từ năm 2020 - 2024, chi cục chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức hơn 20 hội nghị tuyên truyền, tập huấn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho các cán bộ, công chức và cơ sở SXKD thực phẩm. Tại các hội nghị, cung cấp nhiều nội dung xoay quanh: Các quy định về xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng; các quy định về chất lượng hàng hóa trong sản xuất và lưu thông trên thị trường; các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch. Đồng thời, hướng dẫn về quy định ghi nhãn hàng hóa và đăng ký, sử dụng mã số, mã vạch sản phẩm.
Theo chia sẻ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ sở SXKD, công tác tập huấn, tuyên truyền các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và mã số, mã vạch trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm của ngành mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Qua đó, giúp các đơn vị có đầy đủ kiến thức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, SXKD thực phẩm và tiêu dùng, hạn chế vi phạm.
Theo ông Hứa Hoàng Thảo, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay đối với việc kiểm soát chất lượng sản phẩm và phòng, chống hàng giả, nhái, kém chất lượng. Trong số này, công cụ mã số, mã vạch được các nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng… sử dụng hiệu quả trong quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Trong quản lý chất lượng sản phẩm, mã số, mã vạch là một công cụ cơ bản chứa đựng các thông tin của sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tra cứu, tìm kiếm thông tin về chất lượng sản phẩm; tạo thuận lợi cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý quá trình sản xuất và lưu thông sản phẩm. Ngày nay, việc ứng dụng mã số, mã vạch trên nền tảng công nghệ còn phù hợp xu hướng phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số. Do đó, các doanh nghiệp cần nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và mã số, mã vạch trong kinh doanh mặt hàng thực phẩm, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.