Sửa đổi bổ sung luật các tổ chức tín dụng: Nóng chuyện quản trị ngân hàng

Luật sửa đổi bổ sung Các tổ chức tín dụng sẽ nghiêm cấm việc “sếp” lớn ban quản trị hoặc ban điều hành ngân hàng cùng lúc kiêm nhiệm thêm lãnh đạo ở doanh nghiệp khác bên ngoài. Như vậy, sẽ có rất nhiều “sếp” ngân hàng hiện tại rơi vào cảnh buộc phải chọn 1 trong 2, ngân hàng hoặc doanh nghiệp ngoài.

Chiều 20/11, với 88,80% số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Một trong những quy định của Luật sửa đổi chính là sếp ngân hàng không được kiêm nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp khác.

Luật mới

Cụ thể, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Liệu khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, các Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng có bị ảnh hưởng? Câu trả lời là đến thời điểm này chưa thể nói trước điều gì, vì hiện tại trong luật chưa điều chỉnh cụ thể vai trò Phó Chủ tịch HĐQT - đây là một chức danh chưa được đề cập đến trong Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một cán bộ lãnh đạo thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay vẫn chưa thể nói trước được điều gì, vì còn phải chờ các văn bản dưới luật, hoặc văn bản hướng dẫn thi hành luật. Tiêu chí mà luật sửa đổi, bổ sung lần này muốn hướng tới chính là không cho phép lãnh đạo ngân hàng cùng lúc kiêm nhiệm thêm chức vụ, vai trò lãnh đạo ở doanh nghiệp ngoài nhằm tạo ra tính khách quan, minh bạch cho hoạt động tín dụng ngân hàng.

Đánh giá về quy định mới trong Luật sửa đổi, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là điều hợp lý. Nhiều nước trên thế giới cũng cấm lãnh đạo ngân hàng đồng thời là sếp của một doanh nghiệp khác để đề phòng khả năng trục lợi.

“Khi một người làm sếp ở cả doanh nghiệp và ngân hàng, họ có thể dùng ngân hàng để trục lợi cho doanh nghiệp của họ thông qua cho vay hoặc có điều kiện ưu đãi cho doanh nghiệp. Còn về mặt chuyên môn, việc cấm như vậy để doanh nhân tập trung vào công việc của mình, không chia sẻ thời gian ở nhiều đơn vị khác nhau” - TS. Nguyễn Trí Hiếu bình luận.

Võ Nguyễn - Vy Vy

Nên đọc