Sự thanh lọc khốc liệt của thị trường và cơ hội tái cơ cấu lực lượng doanh nghiệp

(CL&CS) - Một bức ảnh thể hiện nguyên trạng tình hình doanh nghiệp trong 6 tháng qua vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ( Bộ kế hoạch và đầu tư) công bố cho thấy quá trình thanh lọc doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp mới thành lập lập mốc mới

Do sự sàng lọc khốc liệt của thị trường và tác động của COVID-19 khiến nhiều  doanh nghiệp bị đào thải thì cũng trong giai đoạn này lại có nhiều doanh nghiệp ra đời khi nhìn thấy cơ hội kinh doanh mới và niềm tin kinh doanh tăng lên.  

Theo số liệu thống kê, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký.

Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua cột mốc 66.958 doanh nghiệp của giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019.

Đây là một kỷ lục đặc biệt  thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp và cũng cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện.

Một kỷ lục nữa là tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 2.095.163 tỷ đồng (số này không tính số vốn đăng ký 25.000 tỷ đồng và 500.000 tỷ đồng của 2 doanh nghiệp thành lập mới tại TP.HCM vào ngày 20/5/2021). Đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.   

Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

 Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh “Sự gia tăng về số lượng và vốn của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy sự nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”.

 Bên cạnh đó nền tảng vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng một số ngành khá khả quan đã cố thêm niềm tin cho người dân, cho thị trường, khơi dậy những ý tưởng kinh doanh mới.

 Từ đó thêm nhiều doanh nghiệp mới ra đời và có 26.142 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Một điểm đáng chú ý là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt bùng phát dịch bệnh lần này vẫn có sự gia tăng về số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái như: Bắc Giang (tăng 11,82%), thành phố Hồ Chí Minh (tăng 5,34%), Bắc Ninh (tăng 1,06%)...

  70.209 doanh nghiệp rời thị trường

Trong khi số doanh nghiệp  quay trở lại thị trường gia tăng và nhiều doanh nghiệp mới ra đời trước những cơ hội kinh doanh mới thì tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 và sự thanh lọc đào thải khốc liệt của thị trường khiến không ít doanh nghiệp đã không còn trụ được phải rút lui khỏi thị trường. Số doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, rời khỏi thị trường trong 2 năm qua vẫn liên tục gia tăng. 

Theo số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh công bố, trong 6 tháng đầu năm nay, có 70.209 doanh nghiệp rời thị trường, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Có 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Có 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và có 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.

Có 9.942 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Những số liệu thống kê này không chỉ thể hiện tác động tiêu cực của làn sóng dịch bệnh mà còn cho thấy sự sàng lọc của thị trường cũng như sức chịu đựng. Và ở góc độ khác nó cho thấy sự linh hoạt chuyển đổi của doanh nghiệp.

Phần lớn là doanh nghiệp ngừng hoạt động  trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ là lĩnh vực mà việc rút lui và gia nhập thường xuyên liên tục diễn ra. Nhưng đây cũng là lĩnh vực chịu liên tiếp chịu tác động trực tiếp từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua.

Những con số về doanh nghiệp phải phá sản, phải rời thị trường không chỉ phản ánh sự u ám hay mặt tiêu cực. Bởi trong số những doanh nghiệp phá sản còn có những doanh nghiệp đã xong sứ mệnh, đã đạt mục tiêu, đã hoàn thành dự án, thì đóng cửa doanh nghiệp và lại tiếp tục chuyển sang hoạt động ở một lĩnh vực khác.

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu thuộc các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. Đây cũng là những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhiều nhất.

Bên cạnh đó, thị trường luôn có sự đào thải và cạnh tranh, và COVID-19 lại làm tăng thêm tính đào thải khốc liệt của thị trường những doanh nghiệp yếu ớt, những ý tưởng khởi nghiệp chưa chín hoặc chủ doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm khiến doanh nghiệp không thể tiếp tục hoạt động mà phải lui khỏi thị trường.

Phần lớn trong số các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ.

Hơn một nửa số này có thời gian hoạt động dưới 5 năm, có những doanh nghiệp hoạt động chưa được một năm.

90,6% doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 32.251 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Gần 20% doanh nghiệp giải thể là đã ngừng kinh doanh có thời hạn từ trước.

Vì vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường này không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm.

Đây là tính tất yếu của thị trường và cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp để có một lực lượng doanh nghiệp lớn hơn, khỏe hơn.

 Và nhìn lại theo chuỗi thời gian, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 là 35.607 doanh nghiệp, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng mức này cũng chỉ tương tương với giai đoạn 2016-2021. Tỷ lệ tăng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh  giai đoạn 2016-2021 là 24,1%. Tỷ lệ này 6 tháng đầu năm 2020- 2019 là 38,2%.

  (Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

TIN LIÊN QUAN