Biết lắng nghe
Dù trong cuộc sống hay công việc, lắng nghe luôn là điều rất quan trọng. Khi cảm xúc xuống dốc, khi lòng tràn đầy oán trách, mọi người thường muốn dùng lời nói để phát tiết những bất mãn trong lòng mình. Lúc này lắng nghe có thể an ủi, vỗ về người khác tốt hơn.
Sức mạnh do việc lắng nghe mang tới đôi khi còn lớn hơn cả sức mạnh từ lời nói. Người thông minh biết cách lắng nghe, họ có thể thông qua những cử chỉ hợp lý của mình để truyền tải một năng lượng khác đến với người khác.
Một nhà hiền triết từng nói: “Trời ban tặng cho con người hai tai, hai mắt, nhưng chỉ có một cái miệng là muốn con người nghe nhiều hơn, nhìn nhiều hơn và nói ít đi”. Bởi thế lắng nghe không phải chỉ dùng tai mà phải dùng cả tâm. Dụng tâm lắng nghe là một loại mỹ đức.
Người không có khả năng lắng nghe thông thường đều xem thường người khác, cậy mạnh lấn yếu, không có khả năng nhẫn nại. Xưa nay, lời thật thường khó nghe, nên chỉ người khoan dung độ lượng mới có thể nhận ra lợi ích của việc tiếp thu lời chính trực.
Người giỏi lắng nghe, tâm của họ như gương sáng, thông thấu được vạn vật. Những người như vậy cũng sẽ có sự bình thản, an tường trong tâm, luôn sẵn sàng tiếp nhận sự ban ơn của tạo hóa. Xưa nay các bậc trí giả thông thấu nhân sinh đều là những người hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của việc lắng nghe.
Kiềm chế cảm xúc tốt
Có rất nhiều lý do khiến ta bị rơi vào trạng thái mất bình tĩnh và khi đó là lúc ta dễ mắc sai lầm nhất. Vì không làm chủ cảm xúc, dẫn đến không làm chủ được hành vi, cuối cùng là những hậu quả rất đáng tiếc. Vì vậy, điều chúng ta cần bây giờ là nâng cao được khả năng làm chủ cảm xúc trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống khó khăn và “hiểm nghèo” nhất.
Chúng ta thường cho rằng, những thứ mình có đều thuộc về mình, mình có thể khống chế chúng rất tốt. Kỳ thực đây là cách nghĩ vô cùng sai lầm. Ví như cảm xúc, tình cảm là những thứ mà con người khó có thể kiểm soát. Dẫu biết rõ rằng tức giận không tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều người lại không thể nhẫn được cơn nóng giận. Nhưng người thực sự thông minh có thể kiềm chế bản thân rất tốt. Dẫu lâm nguy họ vẫn không sợ hãi, dẫu gặp phải khó khăn họ cũng vẫn giữ được sự tĩnh tại trong tâm.
Tư duy linh hoạt, rõ ràng
Tư duy không đơn giản là 1 suy nghĩ riêng lẻ mà người ta cần tập hợp “mớ suy nghĩ” riêng lẻ ấy thành một chuỗi có logic. Trong cuộc sống hằng ngày chắc chắn ai cũng cần phải sử dụng tư duy để đưa phân tích đánh giá một vấn đề nào đó hay đưa ra một quyết định, lựa chọn.
Người thực sự thông minh là người có chỉ số thông minh và trí thông minh cảm xúc rất cao. Trong giao tiếp giữa người với người, trí thông minh cảm xúc chiếm phần chủ đạo, nhưng trong công việc chỉ số thông minh lại quan trọng hơn. Trí thông minh có thể giúp con người hoàn thành được mục tiêu đề ra, đồng thời đặt định những kế hoạch phù hợp. Hiệu suất công việc của họ thường vượt qua người khác.
Có câu rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Một người thông minh thực sự là người hiểu được quy luật của cuộc sống. Họ sẽ tận tâm làm tốt nhất trong khả năng của mình, nhưng không mưu cầu kết quả, thắng không kiêu, bại không nản. Họ biết cách tập hợp ưu thế và sức mạnh của mọi người xung quanh để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.
Đơn giản, không khoa trương
Có một vài người tự ti về bản thân. Họ muốn giành được cảm giác ưu việt hơn người khác bằng cách khoa trương, tôn vinh bản thân quá mức. Những hư vinh này sẽ thỏa mãn hư vinh trong nội tâm họ.
Trên thế giới không thiếu những người giỏi nổi tiếng không thích khoe khoang, phô trương những gì mình sở hữu, thậm chí một số người chỉ sử dụng những thứ rất rẻ tiền. Người thông minh thường có vẻ ngoài đơn giản. Đây mới là biểu hiện chân thực của những người có chân tài thực học và có tự tin vào bản thân.