Theo hãng tin Kyodo, hoạt động mở rộng ranh giới thềm lục địa của mình ở phía đông một loạt đảo Thái Bình Dương có hiệu lực theo lệnh sửa đổi của Nội các Nhật Bản. Trong đó, chỉ định một phần Ogasawara là thềm lục địa của nước này để tiến hành nghiên cứu khai thác tài nguyên thiên nhiên trên biển như khoáng sản và đất hiếm. Thềm lục địa mở rộng chiếm khoảng một nửa diện tích đảo Honshu của Nhật Bản.
Trước đó vào năm 2014, chính sách đại dương của Nhật Bản lần đầu tiên được đề xuất mở rộng thềm lục địa - khu vực đất chìm nằm trong vùng biển tương đối nông. Đây là bước tiến quan trọng đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản hướng đến việc gia tăng phạm vi lãnh thổ và khai thác tài nguyên dưới đáy biển.
Đến tháng 6 năm nay, Nội các Nhật Bản quyết định ban hành sắc lệnh về việc mở rộng diện tích 120.000km2 tại khu vực cao nguyên Ogasawara thuộc quần đảo Ogasawara.
Do lo ngại về an ninh kinh tế, Nhật Bản gần đây tăng cường nỗ lực khai thác và đảm bảo nguồn cung tài nguyên. Chính phủ Nhật Bản cho biết họ đã xác nhận sự tồn tại của lớp vỏ giàu coban và cả kim loại hiếm trong khu vực thềm lục địa mới.
"Chúng tôi sẽ có thể thực hiện các quyền chủ quyền của mình để khám phá thềm lục địa và khai thác tài nguyên thiên nhiên", ông Yoshifumi Matsumura, Bộ trưởng Chính sách đại dương phát biểu.
Việc Nhật Bản mở rộng thềm lục địa tiềm ẩn nhiều thách thức về mặt pháp lý và ngoại giao. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Nhật Bản cần có sự chấp thuận từ một tổ chức quốc tế được thành lập theo UNCLOS và các quốc gia có liên quan để khẳng định tính hợp lệ của việc mở rộng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có Mỹ bày tỏ sự đồng ý với hoạt động này của Nhật Bản.
Điều này cho thấy Nhật Bản cần nỗ lực hơn nữa trong việc đàm phán và thuyết phục các quốc gia liên quan, đặc biệt là những nước có tranh chấp lãnh thổ biển đảo với Nhật Bản như Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc đạt được sự đồng thuận quốc tế là vô cùng quan trọng để Nhật Bản có thể khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên tiềm ẩn trong khu vực thềm lục địa mở rộng.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng cần đảm bảo rằng hoạt động mở rộng thềm lục địa không vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường biển và không ảnh hưởng đến quyền lợi của các quốc gia ven biển khác.