Báo cáo tại đại hội, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết, dự kiến trong năm 2021, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 9.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Trong đó, 1.750 tỷ đồng tăng thêm từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2019 với tỷ lệ 10%, sẽ thực hiện trong quý 2/2021; 2.022 tỷ đồng từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2020 với tỷ lệ 10,5%, dự kiến thực hiện trong quý 3/2021 và 5.391 tỷ đồng tăng thêm từ phát hành cổ phiếu ra công chúng. Với kế hoạch này, vốn điều lệ của SHB sẽ đạt 26.674 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, SHB đã trình cổ đông 2 kịch bản về kế hoạch lợi nhuận. Theo lãnh đạo SHB thì ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2021 dù tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới còn nhiều khó khăn, lãnh đạo SHB cho biết ngân hàng có cơ sở khi đề ra 2 kịch bản lợi nhuận.
Cụ thể, trong trường hợp SHB hoàn thành việc chào bán phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng trong quý 3/2021 thì vốn tăng thêm được dùng vào hoạt động kinh doanh, góp phần tăng lợi nhuận ngân hàng, dự kiến đạt 6.128 tỷ đồng.
Còn trường hợp việc chào bán hoàn thành trong quý 4/2021 thì lợi nhuận ngân hàng dự kiến là 5.828 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của SHB sẽ tăng tới 88% hoặc 78% so với năm 2020 tương ứng với 2 kịch bản trên.
Năm 2021, SHB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11,5% lên hơn 460.000 tỷ đồng. Dự kiến tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 là 15%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Chủ tịch SHB cũng cho biết, không chỉ năm 2021 mà trong các năm tiếp theo, tăng trưởng lợi nhuận của SHB sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc, bứt phá ngoạn mục, hướng tới năm 2025 trở thành ngân hàng số một về hiệu quả. Ảnh: SHB
Tại đại hội, Hội đồng quản trị SHB trình cổ đông thông qua việc chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài của SHB tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam là 10% để tìm kiếm và lựa chọn đối tác chiến lược.
Một nội dung đáng chú ý khác tại đại hội lần này là phương án phát hành trái phiếu quốc tế theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN). Giá trị phát hành tối đa là 500 triệu USD. Trái phiếu không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi, có thể gồm cả trái phiếu tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày).
Dự kiến, đợt đầu tiên được phát hành từ năm 2021 đến khi hoàn tất việc phát hành trái phiếu. SHB sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu với kỳ hạn từ 3-5 năm. Theo dự kiến, chương trình EMTN và trái phiếu phát hành theo chương trình EMTN sẽ được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
Liên quan đến hoạt động của ngân hàng con tại nước ngoài, Hội đồng quản trị sẽ trình cổ đông thông qua việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội Lào (SHB Lào) và Ngân hàng TNHH MTV Sài Gòn - Hà Nội Campuchia (SHB Campuchia).
Theo đó, SHB sẽ tìm kiếm đối tác uy tín để chuyển nhượng một phần vốn của SHB tại các ngân hàng con theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc chuyển nhượng một phần vốn góp của SHB tại SHB Lào và SHB Campuchia đồng thời sẽ chuyển đổi loại hinh doanh nghiệp từ TNHH Một thành viên sang TNHH Hai thành viên hoặc Cổ phần.
Ngay trước thềm đại hội, SHB thông báo đã nhận được Công văn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) chấp thuận nguyên tắc việc niêm yết cổ phiếu SHB trên sàn HOSE. Việc tổ chức giao dịch chính thức đối với cổ phiếu của ngân hàng trên sàn HOSE sẽ được thực hiện sau khi vấn đề hạ tầng công nghệ được xử lý.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, trong thời gian tới, SHB tiếp tục tập trung vào chuyển đổi số, điều này sẽ giúp ngân hàng tăng tỷ lệ CASA đáng kể, từ đó đóng góp mục tiêu chiến lược của SHB đến năm 2025 về 5 tham số tài chính.
SHB đã làm việc các tổ chức tư vấn hàng đầu về mục tiêu phát triển, hiện đại hoá nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để gia tăng cạnh tranh, tạo hệ sinh thái tiềm năng khác biệt của SHB.
Chủ tịch SHB cũng nhấn mạnh: Không chỉ năm 2021 mà trong các năm tiếp theo, tăng trưởng lợi nhuận của SHB sẽ có những bước tăng trưởng vượt bậc, bứt phá ngoạn mục, hướng tới năm 2025 trở thành ngân hàng số một về hiệu quả.
Kết thúc quý 1/2021, SHB đạt lợi nhuận trước thuế 1.664 tỷ đồng, gấp 2,1 lần kết quả đạt được cùng kỳ năm 2020.