Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm người mất tích trong vùng sạt lở
Thời điểm cuối năm 2020 theo “mặc định” của thiên nhiên, những cơn bão hầu như đang “chạy nước rút” vào những vùng lũ các tỉnh miền Trung với các cơn bão mới nhất số 8, số 9 vừa đi qua, khiến bà con quanh năm sống trong cảnh “đến hẹn lại chạy lũ” đã khốn khổ càng thêm khốn khổ.
Như những gì mọi người trên cả nước chứng kiến hai cơn bão số 8 và số 9 đã diễn ra là bão nối tiếp bão, lũ chồng lũ, cơn bão sau mạnh hơn cơn bão trước, cường độ càn quét dữ dội hơn, thảm trạng để lại tang thương hơn không chỉ bằng con số hàng ngàn nhà cửa của bà con vùng lũ bị sập, hư hại, tài sản bị cuốn trôi, gia súc, hoa màu chìm trong nước lũ mà tính mạng người dân vùng lũ cũng khó bảo toàn, đã có không ít người chết do bị nước cuốn, trong đó có những trường hợp rất thương tâm.
Nhưng sóng cuộn, nước chảy xiết, nỗi hiểm nguy trên biển nước mênh mông vùng lũ không còn thấy đâu là bờ bến, cũng là điều có thể phòng tránh vì con người thấy ngay trước mắt. Nhưng lũ thường đi kèm với sạt lở đất, không chỉ những vùng đất thấp mà vùng đồi, núi cao vẫn có thể sạt lở bất cứ lúc nào và đây là thảm họa khôn lường vì con người không thấy trước được. Càng nguy hiểm hơn những vụ sạt lở đất lại thường xảy ra vào ban đêm, khi con người đã chìm trong giấc ngủ say.
Bão số 8, những vụ sạt lở đất, đồi, núi ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế) không chỉ vùi chôn những hộ dân mà ngay như đoàn cán bộ, chiến sĩ vào đây làm công tác cứu hộ dân cũng chịu thảm họa khó lường này. Và mới đây, cơn bão số 9 vừa đi qua, một vụ sạt lở đất ở thôn 1 xã Trà Leng huyện Trà My tỉnh Quảng Nam đã vùi lấp cả ngôi làng với 19 hộ dân gồm 49 người, mà theo tin ban đầu có 4 người may mắn thoát được, còn 45 người mất tích. Trước đó, tại thôn 1 xã Trà Vân, cũng thuộc huyện Trà My một vụ sạt lở khác cũng đã vùi lấp 8 người. Hiện tại, đã tìm được 7 thi thể. Như vậy cả hai vụ sạt lở đất ở Trà My có 53 người mất tích.
Khu vực sạt lở đất thuộc huyện Trà My tỉnh Quảng Nam
Điều đáng quan tâm là, xã Trà Leng nằm phía Bắc huyện Nam Trà My, cách trung tâm hành chính huyện gần 32 km là xã vùng sâu, vùng cao có địa hình phức tạp, nhất là những đợt mưa lũ lại bị tách biệt với bên ngoài, ngăn cách về giao thông . Hiện tại xã chỉ có 2 trên tổng số 4 thôn có đường ô tô vào đến trung tâm xã nên việc cứu hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện công tác cứu hộ, tìm kiếm người dân gặp nạn trong vụ sạt lở đất thương tâm này đang được khẩn trương triển khai. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và quân đội cũng đã vào cuộc không chỉ với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ mà bằng tất cả mọi phương tiện, kể cả phương tiện cơ giới để làm sao tìm kiếm, cứu hộ những nạn nhân còn lại trong thời gian nhanh nhất có thể.
Thiên tai là điều không ai mong muốn, con người trước thiên tai quả thật mỏng manh. Qua những cơn bão cuối năm đồn dập diễn ra trên dải đất miền Trung ruột thịt, đặc biệt là bão số 8, số 9 mới đây với những vụ sạt lở đất sau bão và trong lũ, đã cho thêm bài học kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai: Không chỉ phòng chống lũ là cái diễn ra trước mắt mà còn phòng tránh cả điều bất thường khó biết trước, đó là sạt lở đất trong và sau bão lũ. Và điều đáng quan tâm là sạt lở đất nguy hiểm hơn, gây thiệt hại sinh mạng người dân nhiều hơn, thương tâm hơn.