Sản lượng tăng, tiêu thụ chậm, ngành nông nghiệp đề xuất giải pháp tháo gỡ

(CL&CS) - Bất chấp dịch COVID-19 bùng phát mạnh, sản lượng lương thực, thực phẩm, thủy sản đều tăng hơn sơ vời cùng kỳ. Thế nhưng ngành Nông nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với những sản phẩm vào chính vụ thu hoạch tại những địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19...

Cung- cầu vướng khâu trung gian

Trong Báo cáo mới đây gửi Bộ KH&ĐT, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 7 tháng đầu năm, năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần vào đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước.

Đến cuối tháng 7, sản xuất nông lâm thủy sản cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Cụ thể, về lương thực, dự kiến cả nước thu hoạch ước đạt 6,5 triệu ha; sản lượng đạt 23,7 triệu tấn (riêng vụ Đông Xuân 20,5 triệu tấn với năng suất tăng cao đạt 68,3 tạ/ha), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu (XK).

Tiêu thu nhiều loại trái cây giảm mạnh do khó khăn trong lưu thông

Về thực phẩm, 7 tháng đầu năm, sản lượng rau đạt trên 9,8 triệu tấn, tăng 1,2%, đảm bảo phục vụ tiêu dùng trong nước (khoảng 6,98 triệu tấn) và còn khoảng 2,8 triệu tấn rau hàng hóa, sử dụng cho mục đích khác. 7 tháng đầu năm, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển mạnh, theo đó đàn bò tăng khoảng 2,3%; đàn lợn tăng 6,1%; đàn gia cầm phát triển tốt với mức tăng 4,8%; riêng đàn trâu tiếp tục giảm khoảng 3,3% so với cùng thời điểm năm 2020.

Về thủy sản, tổng sản lượng đạt trên 4.900,1 nghìn tấn, tăng 2,2%; trong đó khai thác 2.347,2 nghìn tấn, tăng 1,1%; nuôi trồng 2.552,9 nghìn tấn, tăng 3,3%.

Mặc dù sản xuất nông lâm thủy sản đã đảm bảo lương thực - thực phẩm phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và XK nhưng Ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với những sản phẩm vào chính vụ thu hoạch tại những địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Về tiêu thụ trong nước, nguồn cung nông sản thiết yếu đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng chậm do sức mua tiêu dùng hạn chế; đặc biệt, giá trái cây, củ quả tại một số tỉnh như Cần Thơ (dâu, mãng  cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt), Khánh Hòa (xoài), Vĩnh Long (khoai lang), Long An (thanh long, chanh),.. giảm mạnh do XK gặp khó khăn, tác động và gây áp lực cho tiêu thụ trong nước.

Lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương thời điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 gặp nhiều khó khăn do việc vận chuyển ra vào vùng dịch phải tuân thủ các biện pháp hạn chế, cách ly, kiểm dịch, kiểm tra nên ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động XNK như: Giảm đơn hàng của một số DN XK, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không, đường thủy bị thu hẹp, thiếu hụt lao động, gây tổn thương đến thương mại nông sản trên thị trường quốc tế…

Tháo gỡ rào cản tiêu thụ hàng hóa

Để cung gặp cầu trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, theo đề xuất của Bộ NN&PTNT, cần ẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và XK

Cụ thể, tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các DN có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ;

Đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Trước mắt đề xuất xây dựng mạng lưới thông tin liên kết giữa các đơn vị của ngành nông nghiệp với các chi hội, chi đoàn từ trung ương tới địa phương và triển khai xây dựng các điểm chuẩn hóa mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch tại các thành phố, khu dân cư;

Khai thác thủy sản tăng 2,2% so với cùng kỳ

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường XK trọng điểm;

Đặc biệt, tại các địa phương đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15, 16, cần hướng dẫn địa phương, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh điều chỉnh phương thức kinh doanh của các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn;

Rà soát hoạt động cung ứng hàng hóa của các thương nhân kinh doanh mặt hàng chủ lực; Thiết lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời; Nâng cao năng lực cung ứng của hệ thống phân phối; Tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất tăng cường truyền thông tiêu thụ nông sản. Cụ thể: Thống kê số liệu, thông tin về sản lượng, diện tích, thông tin mùa vụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản của từng địa phương trên cả nước để cung cấp cho các đơn vị truyền thông; đồng thời theo dõi, nắm bắt điểm nóng tiêu thụ, chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các kịch bản tiêu thụ; iếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho các nông sản chủ lực, đặc sản của địa phương theo mùa vụ, hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử trong tình hình dịch COVID -19.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiên thương mại quốc tế, thúc đẩy XK: Chuẩn bị tổ chức các Hội thảo, diễn đàn thúc đẩy XK, mở cửa thị trường, hỗ trợ thông tin DN XK nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn DN, địa phương về thực thi chính sách, quy định của các thị trường XK phù hợp với tình hình dịch COVID-19. Phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, DN XK nông sản đạt tiêu chuẩn XK sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản,….

Tăng trường xuất khẩu gần 27% so với cùng kỳ

Nhờ thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất và phát triển kinh tế.  XK nông sản đã đạt được kết quả khả quan với tổng giá trị XK 7 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2020 (giá trị nhóm hàng thô và sơ chế khoảng 18,5 tỷ USD, chiếm 64,8% tổng kim ngạch XK). Giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54,0%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16,0%.

          Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm và đầu vào phục vụ sản xuất nông lâm thủy sản cũng tăng mạnh với giá trị đạt 24,7 tỷ USD, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị NK các mặt hàng nông sản chính ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 54,8%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,2 tỷ USD, tăng 11,3%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 19,0%; nhóm lâm sản chính khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 42,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 32,9%.

 

TIN LIÊN QUAN