Quyền thi vào lớp 10

(CL&CS) - Sắp đến kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập trên toàn quốc, mấy ngày qua đã xuất hiện việc trường THCS ngăn cản học sinh học lực yếu thi vào lớp 10. Theo phản ánh của một số phụ huynh trường THCS Tiến Thịnh (Mê Linh, Hà Nội), con của họ không được phát phiếu đăng ký thi vào lớp 10 với lý do các em có học lực yếu nên nhà trường định hướng các em học nghề, không dự thi vào lớp 10 công lập.

Ảnh minh họa:ST

Điều đáng nói phụ huynh chỉ được biết sự việc vào đầu tháng 5 khi hạn nộp đơn dự tuyển vào lớp 10 đã hết. Tương tự, một giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM) đã phát lá đơn in sẵn “xin không tham gia thi tuyển sinh lớp 10” cho học sinh điền tên. Trong đơn có những nội dung đã in sẵn như “nay gia đình làm đơn này xin ban giám hiệu nhà trường cho phép cháu... không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Sở...”.

Trao đổi với báo chí, một số phụ huynh cho biết thêm, có trường còn có những hình thức khác “ép” học sinh không thi vào lớp 10, như: đưa việc vận động thô bạo vào trong các tiết sinh hoạt để gây áp lực tâm lý cho các em, không cho học sinh học lực yếu ôn thi cùng lớp, thậm chí có phản ánh việc giáo viên “dọa” nếu học sinh cố tình đăng ký thi vào lớp 10 sẽ không xét tốt nghiệp THCS... Điều đáng nói, tình trạng tương tự cũng từng xuất hiện ở những năm học trước. Sự việc trên khiến nhiều phụ huynh và dư luận rất bức xúc.

Nhìn thẳng thực tế, việc đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập là quyền của học sinh, không ai có quyền tước đoạt quyền lợi hợp pháp này của các em. Việc dự thi vào lớp 10 là một bước chuyển quan trọng trên con đường học tập của các em cũng như trên hành trình cả cuộc đời mỗi con người. Việc thi đỗ hay không không ai có thể khẳng định trước, thực tế là trong thi cử một học sinh khá vẫn có thể trượt trong khi những học sinh yếu hơn lại đỗ, nhưng việc ngăn cản, “ép” các em không thi là hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của các em, là hành vi thiếu tính giáo dục, đáng tiếc điều này lại diễn ra ở chính môi trường giáo dục.

Điều đáng nói hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo biết, các cấp quản lý biết, nhưng sự việc đáng buồn vẫn cứ tồn tại. Trách nhiệm của Bộ và của các cấp quản lý giáo dục ở đâu khi để tồn tại hiện tượng này? Ai chị trách nhiệm trước cơ hội học tập, cơ hội cuộc đời của các em bị tước bỏ?

Ở khía cạnh khác, chúng ta đã từng thấy, ở tuổi vị thành niên như các em, bố mẹ chỉ nặng lời một câu mà có em đã hành động dại dột rồi không thể làm lại cuộc đời. Tình trạng “ép” các em không được thi vào lớp 10 như vậy không tránh khỏi gây những uất ức cho các em, khiến các em có những hành vi dại dột, điều mà thầy cô, nhà trường cần “tỉnh ngộ”; cơ quan quản lý cần xử lý triệt để, không phải chỉ nhắc nhở rồi mỗi năm lại lặp lại.

TIN LIÊN QUAN