Quy hoạch lại vùng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(CL&CS)- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tập trung quy hoạch, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, trái cây lớn của cả nước. Đây còn là vùng có vị trí chiến lược quốc phòng an ninh, đặc biệt giàu tài nguyên và năng lượng tái tạo. Có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu và giao thương quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương phối hợp quy hoạch lại vùng sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần này là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2030, quy mô nền kinh tế lớn hơn 2 - 2,5 lần so với hiện nay. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu. Môi trường sống được tạo dựng bền vững, chất lượng sống của người dân được nâng lên gắn liền với bảo tồn tài nguyên và hệ sinh thái.

Theo Bộ trưởng Công Thương trong quá trình phát triển, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của mình, chưa tranh thủ được độ mở cao của nền kinh tế với nhiều hiệp định thương mại tự do (cả song phương và đa phương) đã được ký kết để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp của vùng còn manh mún, chưa có quy hoạch bảo đảm, sản xuất chưa theo tín hiệu của thị trường; nhiều loại nông sản, trái cây chưa được chế biến, chủ yếu là xuất khẩu thô và tiêu thụ qua đường tiểu ngạch, chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu. Sản xuất công nghiệp của vùng chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành thâm dụng đất đai, lao động với giá trị thấp; phát triển năng lượng còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu để cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao cho ngành, làm cơ sở tổ chức thực hiện đồng bộ, xuyên suốt trong toàn ngành từ trung ương đến địa phương.

Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương quảng bá thương hiệu nông sản, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại thị trường trong nước và xuất khẩu; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tham gia, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của vùng.

Đồng thời phối hợp các bộ, ngành chức năng trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây và nông sản; làm tốt việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, duy trì và đảm bảo chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các địa phương trong vùng, thứ nhất, phối hợp quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi hợp lý; thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến và ứng dụng công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và hàm lượng giá trị của sản phẩm; xây dựng thương hiệu, mã số, vùng trồng, vùng nuôi để hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu; Kết nối với các cơ quan chức năng của Bộ và các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt các thông tin thị trường để định hướng cho sản xuất.

Hai là, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo tiêu chuẩn và quy định của thương mại quốc tế. Chú trọng công tác marketing, xây dựng thương hiệu, bảo hộ những sản phẩm đặc sản từng vùng miền, có chỉ dẫn địa lý để hàng hóa Đồng bằng sông Cửu Long có chỗ đứng và đi sâu vào các khu vực thị trường thay vì tập trung chủ yếu ở các thị trường khu vực gần biên giới.

Ba là, chủ động xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực xúc tiến thương mại của doanh nghiệp địa phương, chú trọng khai thác hiệu quả các công cụ số, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; Triển khai hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng theo Kế hoạch xúc tiến thương mại cấp Vùng do các địa phương đã thống nhất xây dựng với sự hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Cuối cùng là tập trung quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng (giao thông, vận tải, logistics…) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực.

TIN LIÊN QUAN