Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối tháng 3, dư nợ tín dụng đã tăng hơn 53.000 tỷ đồng, phản ánh nhu cầu tín dụng có phần nào phục hồi sau khi mặt bằng lãi suất hạ nhiệt rõ ràng hơn tuy nhiên vẫn ở mức yếu khi chỉ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lãi suất cho vay, tín dụng chậm lại là những nguyên nhân chính khiến các ngân hàng thương mại giảm mặt bằng lãi suất cho vay tương đối nhanh đối với những nhóm ngành ít rủi ro.
Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng, cho vay mua nhà vẫn duy trì ở mức tương đối cao 14%/năm.
Lãi suất liên ngân hàng bật tăng
Tuần trước, trạng thái thanh khoản trên hệ thống ngân hàng có phần nào căng thẳng và lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh ở kỳ hạn dưới 1 tháng.
Cụ thể, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm kết tuần ở 5,1%/năm, tăng 400 điểm cơ bản so với tuần trước đó và lãi suất 1 tuần đến 1 tháng dao động 5,2 - 5,6%/năm. Đường cong lãi suất gần như phẳng, phản ánh thị trường đánh giá những thiếu hụt thanh khoản chỉ mang tính chất tạm thời.
Chênh lệch lãi suất VND-USD kỳ hạn qua đêm đảo chiều sang dương, tuy nhiên trạng thái này không còn quá tác động quá lớn tới diễn biến tỷ giá trên thị trường nhờ đồng USD quốc tế suy yếu và nguồn cung ngoại tệ tích cực.
Trên kênh hoạt động thị trường mở, Ngân hàng Nhà nước đều đặn chào thầu 40.000 tỷ đồng trên kênh mua kỳ hạn, kỳ hạn 28 ngày với lãi suất 5,0%/năm (giảm 50 điểm cơ bản so với tuần trước đó) và có 4.400 tỷ đồng trúng thầu. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu trên kênh bán tín phiếu.
Kết tuần ngày 7/4/2023, khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu duy trì ở mức 110.700 tỷ đồng và trên kênh cầm cố ở 5.600 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã bơm một lượng thanh khoản tiền VND vào thị trường thông qua việc mua USD bổ sung dự trữ ngoại hối.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ biến động trái chiều trên thị trường thứ cấp
Trong tuần trước, Kho bạc Nhà nước đăng ký gọi thầu 12.000 tỷ đồng, với các kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm tuy nhiên tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ chỉ đạt 60%, thấp hơn nhiều so với trước đó. Tỷ lệ đăng ký ở mức thấp, khi mặt bằng lợi suất đã giảm tương đối mạnh trong 3 tuần qua.
Kết phiên, lợi suất trúng thầu ở mức 2,8% (giảm 13 bps) cho kỳ hạn 5 năm, 3,30% cho kỳ hạn 10 năm (giảm 15 bps), 3,4% cho kỳ hạn 15 năm (giảm 20 bps), và 3,66% (giảm 14 bps) cho kỳ hạn 30 năm. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 112.100 tỷ đồng, hoàn thành 28% kế hoạch năm.
Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp biến động trái chiều, trong đó đảo chiều tăng ở các kỳ hạn 7-15 năm. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (2,78%, -15 bps), 3 năm (2,80%, -12 bps), 5 năm (2,87%, -7 bps), 10 năm (3,37%, +13 bps), 15 năm (3,52%, +10 bps), 20 năm (3,78%, -5 bps) và 30 năm (3,92%, -4 bps). Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 7.600 tỷ đồng/phiên (+66%). Khối ngoại bán ròng 397 tỷ đồng.