Sáng nay (ngày 27/6), tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật Đường bộ, với 447/454 đại biểu có mặt tán thành.
Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua gồm 6 chương, với 68 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều luật sẽ có hiệu lực thi hành sớm hơn, từ 1/10/2024.
Liên quan đến cấp kỹ thuật của đường bộ (Điều 10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội - ông Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung đường tốc độ cao để bao quát hết tất cả các loại đường và tổ chức giao thông phù hợp.
Về vấn đề này, cơ quan thường trực của QH cho rằng hệ thống đường bộ của nước ta hiện chưa có quy định về đường tốc độ cao.
Ông Tới cho biết: "Để xác định bổ sung một loại cấp kỹ thuật đường bộ cần xem xét, đánh giá kỹ và cần xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, đường cấp I đã có thiết kế tối đa tới 120 km/giờ”.
Ngoài ra, tham khảo quy định của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không quy định và không có tiêu chuẩn riêng cho đường tốc độ cao.
Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, ông Tới cho hay, có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 theo hướng chỉ quy định tỷ lệ đất tối thiểu, không quy định tỷ lệ đất tối đa.
Có ý kiến đề nghị không quy định chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị để bảo đảm tính ổn định lâu dài của luật và thống nhất với tiêu chuẩn về phân loại đô thị áp dụng đối với các đô thị có tính chất đặc thù quy định tại Điều 9 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hộ về phân loại đô thị.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hộ thấy rằng, việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho đường bộ trong đô thị cần phải phù hợp với quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị; đồng thời phải xem xét trên cơ sở đánh giá toàn diện quỹ đất dành cho các lĩnh vực giao thông khác (đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không).
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hộ đã chỉ đạo chỉnh lý điều này phù hợp với Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/02/2022 của Bộ Chính trị; đồng thời bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn phát triển và tính đặc thù của các loại đô thị.
Liên quan đến phí giao thông nội đô, ông Tới phản ánh ý kiến đề nghị bổ sung quy định phí giao thông nội đô áp dụng đối với ô tô cá nhân đi vào một số khu vực đô thị trong những khung thời gian nhất định hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tăng cường hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Ủy ban Thường vụ Quốc hộ cho rằng, quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hộ đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Với chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 41), có ý kiến đề nghị tách khoản 2 thành 2 khoản: 1 khoản quy định đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thực hiện theo Luật PPP; 1 khoản quy định đối với kết cấu hạ tầng đường bộ là tài sản công.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 2 thành khoản 2 và khoản 3 để làm rõ trách nhiệm bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ phù hợp với từng hình thức đầu tư và bổ sung khoản 5 Điều này để quy định về trách nhiệm bảo đảm chi phí quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ do Nhà nước đầu tư như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.