Các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có các rào cản nhất định làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Theo TS Nguyễn Sơn Tùng- Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), các DN vừa và nhỏ có 3 rào cản lớn.
Hình minh họa
Bản thân lãnh đạo các DN vừa và nhỏ rất chần chừ trong việc đầu tư công nghệ số. Bản chất khi quyết định đầu tư vào công nghệ số thì chi phí ban đầu rất lớn, DN sẽ không thấy được lợi ích nhận được trong ngắn hạn. Về mặt cơ cấu tổ chức, DN ứng dụng công nghệ số, thì một số hoạt động phải được cắt bỏ và cắt giảm nhân sự; đồng thời, cần những người am hiểu để ứng dụng vào thực tế DN...
Để vượt qua những rào cản ấy, lãnh đạo các DN vừa và nhỏ phải có tầm nhìn và năng lực trong lĩnh vực chuyển đổi số. Như vậy, họ sẽ lựa chọn các công nghệ số có tính năng phù hợp với thực trạng của DN. Từ đó, DN sẽ có quyết định chi trả chi phí cho hoạt động chuyển đổi số một cách hiệu quả, tránh việc mua các công nghệ quá nhiều chức năng. Song song với các hoạt động đầu tư về mặt công nghệ trong chuyển đổi số, DN phải thực hiện các hoạt động đào tạo để đảm bảo các nhân viên đủ khả năng để ứng dụng công nghệ số và thao tác được trên hạ tầng số mà DN đã xây dựng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Ngọc - Trưởng phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế (Trường ĐH Tài chính - Kế toán) - đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, phát triển kinh tế số của tỉnh gặp không ít rào cản, nhưng với những thành công của hoạt động kinh tế số của Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua sẽ là bệ phóng, động lực phát triển kinh tế số của tỉnh trong thời gian tới.
Theo PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT), xét trên kinh nghiệm quốc tế của các nước phát triển, địa phương phải có được cơ cấu kinh tế bền vững để có được sự phát triển bền vững, nâng cao khả năng chống chịu trước những tác động bên ngoài. Thế mạnh của Quảng Ngãi là công nghiệp; trong khi đó, dịch vụ lại chiếm tỷ trọng chưa cao. Vì vậy, để tiến tới cơ cấu kinh tế bền vững thì đến năm 2045, Quảng Ngãi cần tăng tỷ lệ đóng góp vào GRDP của các nhóm ngành dịch vụ.
Nhóm nghiên cứu của Vụ Kinh tế số và Xã hội số đề xuất, để thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh thì trước tiên, về mặt dịch vụ, Quảng Ngãi phải tăng cường thương mại điện tử; phát triển các dịch vụ logistics (hậu cần) hỗ trợ thương mại điện tử; dịch vụ viễn thông; các dịch vụ liên quan đến du lịch - văn hóa.
Về nông nghiệp, tỉnh tiếp tục phát huy những thế mạnh của ngành nông nghiệp, tuy nhiên, người dân phải xây dựng các thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của mình để tăng giá trị của sản lượng nông nghiệp. Về mặt công nghiệp, nhóm đề xuất thêm ngành công nghiệp mới đó là công nghiệp trung tâm dữ liệu. Đây là ngành công nghiệp mới, kéo theo hệ sinh thái của các nhà sản xuất phần mềm công nghệ số. Công nghiệp dữ liệu không chỉ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng tầm trung.