Đây là dự án năng lượng trọng điểm được Chính phủ hết sức quan tâm với vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế xã hội của khu vực Nam bộ.
Tham dự buổi lễ, có đại diện Petrovietnam, PV GAS, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty MOECO (Nhật Bản), Công ty PTTEP (Thái Lan)…
Hợp đồng vận chuyển khí Lô B là hợp đồng Petrovietnam thuê các chủ vận chuyển (PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP) vận chuyển khí Lô B về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn (Cần Thơ).
Hợp đồng đấu nối và dịch vụ vận hành là hợp đồng dịch vụ giữa các chủ mỏ (Petrovietnam, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí - PVEP, MOECO, PTTEP) và các chủ vận chuyển (PV GAS, Petrovietnam, MOECO, PTTEP) để đấu nối đường ống và các trang thiết bị của các chủ vận chuyển với giàn khai thác khí Lô B.
Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 1,277 tỷ USD, trong đó PV GAS tham gia góp vốn lên đến 51%, PV GAS và các đối tác sẽ xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí trên biển trên bờ dài khoảng 431 km, cùng với các trạm tiếp bờ, trạm phân phối khí, trạm van, các công trình phụ trợ… để đưa khí từ Lô B&48/95 và 52/97 (gọi tắt là Lô B) về Trung tâm điện lực Ô Môn.
Hệ thống đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn sẽ đi qua địa phận các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và TP. Cần Thơ, cung cấp khí cho cụm các nhà máy điện tại Ô Môn.
Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn sẽ đưa vào vận hành trong 23 năm từ năm 2027 và kết thúc vào năm 2049. Dự kiến, dự án sẽ đem về doanh thu gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm cho PV GAS thông qua hoạt động vận chuyển khí.
Trong hai năm triển khai xây dựng và lắp đặt của dự án, hai đơn vị thành viên của PV GAS là CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PV GAS COATING, mã PVB) và CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PV GAS PIPE) sẽ cùng tham gia sản xuất hệ thống đường ống, dự kiến thu về gần 4.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm và tạo việc làm cho khoảng 400 cán bộ công nhân viên.
Khi dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn được triển khai, hoàn thành và đưa khí về trung tâm điện lực Ô Môn để phát điện; sẽ đóng góp nguồn thu bền vững vào ngân sách các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ khoảng gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Tại lễ ký kết, Lãnh đạo Petrovietnam, PV GAS cùng các đối tác trong và ngoài nước đã nhất trí cao về việc phối hợp chặt chẽ trong các công việc cần thiết, triển khai kịp thời Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn thông suốt, an toàn và đảm bảo tiến độ chung cho toàn chuỗi dự án, đảm bảo nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam.