Quy định kỹ thuật là một dạng tài liệu chuẩn/ ấn phẩm của ISO, thường đề cập đến các công việc vẫn còn đang trong quá trình phát triển kỹ thuật, và tin rằng trong tương lai, nhưng không phải ngay bây giờ, sẽ công bố được một tiêu chuẩn quốc tế đồng thuận chung về đối tượng đó. Quy định kỹ thuật (TS) được xuất bản để sử dụng ngay trong trường hợp cần thiết, nhưng nó cũng cung cấp một phương tiện để thu thập ý kiến phản hồi. Mục đích cuối cùng là sẽ chuyển đổi TS sang dạng Tiêu chuẩn quốc tế.
Như chúng ta đã biết, các trường hợp COVID-19 được báo cáo đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Vào tháng 3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố về một đại dịch. Kể từ đó, COVID-19 đã có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Các biến chủng xuất hiện ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới, không phân biệt giàu nghèo, vị trí địa lý, chế độ chính trị. Số ca lây nhiễm không ngừng tăng cao. Tính đến ngày 23/10/2021 trên toàn thế giới đã có gần 250 triệu ca nhiễm. Đau lòng hơn, số ca tử vong cũng không ngừng tăng, đạt con số gần 5 triệu người ở mọi lứa tuổi, quốc tịch khác nhau. Đại dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công ăn việc làm, phúc lợi xã hội và ổn định kinh tế-xã hội, đồng thời gây lo ngại sâu rộng cho những người dễ bị tổn thương. Trong số các tác động khác, vi rút đã làm bộc lộ những điểm yếu về khả năng chống chịu, khi phải áp đặt các quy định khẩn cấp tạm thời, chưa có tiền lệ, làm hạn chế quyền tự do, thói quen hàng ngày, làm thay đổi cách chúng ta làm việc, sinh hoạt, giao tiếp…
Việc xây dựng các hướng dẫn trong ISO / TS 22393: 2021 này bắt đầu vào tháng 3/2020 trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19 khi một dự án nghiên cứu bắt đầu xác định các bài học kinh nghiệm về phục hồi liên quan đến đại dịch covid từ khắp nơi trên thế giới. Các bài học kinh nghiệm đã được xác định thông qua 64 cuộc phỏng vấn với các chuyên gia về rủi ro, khả năng chống chịu và phục hồi và bằng cách tìm kiếm thông tin công khai về các thực hành đáng chú ý trên khắp thế giới. Sau khi thu thập các thông tin này, các nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester (Anh) đã phân tích và dẫn đến phát triển một khuôn khổ ban đầu về phục hồi và đổi mới. Khuôn khổ ban đầu đó đã được chia sẻ, góp ý và hoàn thiện trong các cuộc họp nhóm với một loạt các chuyên gia có kinh nghiệm phục hồi ở các cấp độ khác nhau. Khuôn khổ đã được phát triển và chia sẻ thông qua tài liệu có tên “Tóm tắt Manchester về COVID-19: Bài học quốc tế về phục hồi và đổi mới chính quyền địa phương và quốc gia”, từ tháng 4/2020, và đã được phổ biến thông qua mạng lưới toàn cầu. Khuôn khổ đã được chia sẻ nhiều hơn thông qua các hội thảo trên không gian mạng toàn cầu và các hoạt động phổ biến tại nhiều địa phương và quốc gia khác. Tất cả việc đó nhằm để tìm kiếm các ý kiến phản hồi và hoàn thiện để phù hợp với các thực hành tốt nhất. Kết quả là đã hình thành nên được một tập hợp các nguyên tắc và phương pháp tiếp cận đủ cơ sở để được phát triển thành các hướng dẫn lập kế hoạch phục hồi và đổi mới.
Mục đích của tài liệu này là hỗ trợ cộng đồng quốc tế, bao gồm các nhân viên phục hồi, những người lãnh đạo các tổ chức cấp quốc gia và địa phương khi họ đối phó với hậu quả của COVID-19. Virus đã tạo ra những thách thức mới cũng như cơ hội phục hồi trên quy mô mà hầu hết các đối tác có khả năng phục hồi chưa từng gặp phải. Điều này khuyến khích sự thay đổi quan trọng trong tư duy từ “phục hồi” sang “phục hồi và đổi mới”. Nó phản ánh nhu cầu nhanh chóng xem xét lại sự chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai và đưa ra các sáng kiến tham vọng hơn nhằm nâng cao khả năng phục hồi của địa phương.
Giáo sư Duncan Shaw (Vương quốc Anh), trưởng dự án chịu trách nhiệm phát triển ISO / TS 22393 giải thích: “Các nhà lãnh đạo và tổ chức dân sự cần chuẩn bị suy nghĩ về các chiến lược phục hồi ngay từ sớm trong cuộc khủng hoảng để hiểu được những ảnh hưởng lớn của nó đối với cộng đồng. Mục đích của sự phục hồi ngắn hạn và dài hạn là thiết lập một lối sống mới, theo một số cách, có thể giống với cuộc sống trước khi xảy ra khủng hoảng, nhưng điều đó cũng thích nghi và được điều chỉnh bởi cuộc khủng hoảng đã qua dựa trên các bài học kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng”.
ISO / TS 22393: 2021 đưa ra các hướng dẫn về: Đánh giá tác động của khủng hoảng và nhu cầu của cộng đồng (Tìm hiểu bối cảnh của cuộc khủng hoảng, Xác định các chủ đề cần đánh giá tác động và nhu cầu, Thiết kế và thiết lập đánh giá tác động và nhu cầu, Thu thập thông tin cho đánh giá tác động và nhu cầu, Tính toán thiệt hại kinh tế, Phân tích và trình bày kết quả đánh giá tác động và nhu cầu, Lựa chọn các khu vực hành động để phục hồi và đổi mới); Phát triển kế hoạch phục hồi (Xác định các hoạt động cần thực hiện, Quản lý thực hiện kế hoạch phục hồi); Phát triển các chiến lược đổi mới; Cải tiến liên tục (Xác định bài học kinh nghiệm, Thực hiện các bài học kinh nghiệm, Lập kịch bản và thực hiện trong tương lai);…
ISO / TS 22393: 2021 rất cần thiết cho những người tham gia vào quá trình phục hồi và đổi mới trong các trường hợp khẩn cấp, thảm họa hoặc khủng hoảng lớn, như đại dịch COVID-19, ở mọi cấp độ: địa phương, quốc gia và quốc tế, bao gồm cả các nhân viên từ các khu vực công, tư, tình nguyện, cộng đồng và doanh nghiệp, cũng như các tổ chức, cá nhân khác./.
(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).