Mới đây, Tập đoàn Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu các đối tác chiến lược cùng tham gia phát triển dự án “Thành phố cà phê” - Dự án bất động sản đầu tay của tập đoàn.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, ý tưởng xây dựng “Thành phố cà phê” của Trung Nguyên Legend đã có từ 15 năm trước. Đây là nội dung nằm trong đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành “Thiên đường của cà phê thế giới” của ông Đặng Lê Nguyên Vũ khi trình bày tại hội nghị phát triển cà phê bền vững tổ chức ở Đắk Lắk năm 2007, với tầm nhìn đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của hơn 2,5 tỷ người yêu và đam mê cà phê.
Trước đó dự án, được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016 với tên cũ là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh. Tổng vốn đầu tư của dự án gần 2.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 1/2017 có quy mô 45,45ha, mật độ xây dựng 27%.
Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành các hạng mục tiện ích cùng 405 căn nhà liên kế và nhà phố thương mại.
Giai đoạn 2 đến năm 2026, dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng 2 phân khu trên cùng 82 biệt thự, khu nhà ở tái định cư kết hợp làng văn hóa du lịch, khu trung tâm thương mại, khách sạn nghỉ dưỡng, công viên sinh thái văn hóa cà phê...
“Thành phố cà phê” tọa lạc tại trung tâm Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đây là nơi có nền văn hóa đa dạng, khí hậu trong lành, mát mẻ, tạo điều kiện thuận tiện để phát triển bất động sản sinh thái - văn hóa.
Hầu hết các công trình, tiện ích đều xây từ các loại vật liệu tự nhiên như gỗ, gạch không nung, đá bazan… giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ và tôn tạo thiên nhiên.
Cùng với nhiều mảng xanh tự nhiên, dự án được đầu tư hệ thống tiện ích chăm sóc tốt cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần như Bảo tàng Thế giới cà phê, tổ hợp thể thao gym - yoga - bắn cung… Cư dân có thể sống, làm việc và nghỉ dưỡng ngay trong chính ngôi nhà của mình, đó là mục tiêu mà Thành phố cà phê tạo nên và cũng là xu hướng bất động sản mới.
Các giá trị tinh hoa văn hóa bản địa chính là cảm hứng giúp Trung Nguyên Legend tạo dựng “Thành phố cà phê” trở thành đô thị mẫu mực mà ở đó cư dân được sống cùng những công trình kiến trúc biểu tượng, trường tồn cùng thời gian.
Với dự án đầu tay này, Trung Nguyên đã bắt tay với nhiều đối tác có tên tuổi như Mass Design Group, Osho Living thuộc Osho Group - Tập đoàn thiết kế nội thất cao cấp hàng đầu Hoa Kỳ; Viettel - đối tác triển khai, xây dựng hạ tầng công nghệ viễn thông với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh đầu tiên của Tây Nguyên; CBRE là đơn vị quản lý vận hành…
Theo thông tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk, Tập đoàn Trung Nguyên (gồm 3 công ty con là CTCP Cà phê Trung Nguyên, CTCP Đầu tư Trung Nguyên và Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê) hiện là chủ đầu tư của 6 dự án đắc địa trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, dự án được phê duyệt mới nhất vào năm 2016, sớm nhất là từ 2004. Với diện tích quy hoạch từ 5ha đến gần 600ha, các dự án có mức vốn đăng ký đầu tư từ 50 tỷ đồng lên đến hơn 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý và có quy mô nhất là dự án Khu du lịch sinh thái M’Drăk được coi như “Dubai phiên bản Việt” có quy mô lên đến 595ha, vốn đầu tư đăng ký khoảng 68 tỷ đồng. Dự án này được cấp phép theo hình thức đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc, kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk được tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương vào năm 2004.
Dự án thứ hai là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh với tên gọi chính thức là Thành phố cà phê (The coffee city) do CTCP Đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng.
Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016, địa điểm xây dựng tại các phường Tân Lợi, Thành Công, Thắng Lợi và xã Cư Êbur thành phố Buôn Ma Thuột. Tổng diện tích dự án là 45,45ha.
Theo quy hoạch, dự án sẽ đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật; xây dựng khu công viên văn hóa, du lịch sinh thái gồm: bảo tàng cà phê, không gian thiên đường cà phê, nhà dài truyền thống Tây Nguyên, khu biểu diễn xiếc voi, tham quan du lịch bằng voi, khu nghỉ dưỡng và các khu nhà ở, biệt thự, nhà xã hội; đầu tư xây dựng công trình giáo dục, công trình thương mại dịch vụ khách sạn…
Ngoài hai dự án trên, dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm, huyện Cư M'gar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư ngày 16/9/2014, với quy mô 62ha, vốn đầu tư hơn 82 tỷ đồng.
Theo báo cáo của chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, việc chậm tiến độ là do vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiết kế quy hoạch gặp khó khăn. Dự án nhiều năm bất động, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý cho Trung Nguyên giãn tiến độ thực hiện dự đến tháng 10/2019.
Điểm du lịch cụm thác Dray Nur và Dray Sáp Thượng thuộc địa bàn xã Dray Sáp, huyện Krông Ana được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010 với diện tích khoảng 111,88ha (Khu du lịch thác Dray Sáp Thượng: 103,32 ha, điểm du lịch thác Dray Nur: 8,56 ha), vốn đầu tư 50 tỉ đồng.
Dự án đã được phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 vào tháng 2/2017. Hiện tại, dự án đã đưa vào khai thác một phần với một số sản phẩm, dịch vụ du lịch như cưỡi ngựa, vui chơi, giải trí và cắm trại dã ngoại dưới chân thác…
Ngoài các dự án du lịch, một dự án khác của Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu năm năm 2014 là dự án Nhà khách Trung Nguyên (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) có quy mô gần 6ha, số vốn khoảng 130 tỷ đồng nhằm thực hiện các hạng mục nhà khách, hội trường, biệt thự…