Chiều ngày 23/9, UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) xác nhận rằng, nước lũ đã làm đứt gãy và cuốn trôi một đoạn mố cầu Bến Nhạ tại xã Tân Thành.
Trước tình hình này, lực lượng chức năng đã nhanh chóng khắc phục tạm thời để đảm bảo lưu thông cho người dân.
Ngoài ra, nước từ thượng Lào đổ về, làm tăng lưu lượng nước của Thủy điện Hủa Na, khiến thủy điện này phải xả nước về Hồ Cửa Đạt.
Cùng với lượng mưa lớn trên địa bàn, Hồ Cửa Đạt và Thủy điện Xuân Minh cũng tiến hành xả lũ theo kế hoạch, dẫn đến ngập lụt ở các xã vùng thấp như Xuân Cao, Thọ Thanh, Xuân Dương, Ngọc Phụng và thị trấn Thường Xuân.
Tại các xã vùng cao, mưa lớn và mực nước sông suối dâng cao đã gây chia cắt hoàn toàn các điểm đường tràn, khiến giao thông bị tê liệt từ chiều ngày 22/9/2024.
Theo cơ quan chức năng, địa hình huyện Thường Xuân phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều núi cao và hệ thống sông suối, dẫn đến hiện tượng sạt lở đất và ngập lụt cục bộ xảy ra tại nhiều tuyến giao thông.
Nhiều hộ dân bị sạt đất vào nhà và có nguy cơ bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.
Theo ghi nhận ban đầu, mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về nhà ở tại các xã như Luận Khê, Tân Thành và Xuân Thắng.
Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành di dời hàng trăm hộ dân cùng tài sản thiết yếu đến nơi an toàn.
Hiện tại, gần 2.300 hộ dân với hơn 9.000 nhân khẩu tại các xã Ngọc Phụng, Tân Thành, Luận Khê, Bát Mọt, Yên Nhân và thị trấn Thường Xuân đang bị cô lập cục bộ.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng và người dân đang tập trung tối đa để ứng phó và giảm thiểu thiệt hại.
Ngày 23/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa, yêu cầu phát lệnh báo động cấp 3 trên các sông Bưởi, sông Lèn và sông Cầu Chày.
Theo công điện, các Chủ tịch UBND huyện phải tiếp tục thực hiện việc tuần tra, canh gác và bảo vệ hệ thống đê điều theo từng cấp báo động. Các huyện cần khẩn trương kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình đê điều, đặc biệt là những khu vực trọng yếu và các cống dưới đê. Vật tư, phương tiện và nhân lực cũng phải được chuẩn bị đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ" để có thể ứng phó ngay lập tức khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ngoài ra, các địa phương được yêu cầu chủ động lập kế hoạch sơ tán người dân khỏi vùng bãi sông, đảm bảo an toàn tuyệt đối; đồng thời, cảnh báo người dân không tham gia vào các hoạt động di chuyển, vớt củi, hay đánh bắt thủy sản gần các dòng sông để tránh nguy hiểm.
Tỉnh Thanh Hóa cũng ra lệnh cấm các loại xe cơ giới di chuyển trên các tuyến đê, ngoại trừ xe phục vụ hộ đê, xe kiểm tra đê, xe quốc phòng, cứu thương, cứu hỏa và các phương tiện phục vụ khắc phục sự cố liên quan đến đê điều và phòng chống thiên tai.